‘Số phận’ văn phòng đoàn ĐBQH địa phương ra sao?

Theo ông Đoàn Đình Anh (Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh) và các ĐB cùng quan điểm thì theo khoản 4 Điều 43 Luật Tổ chức QH 2014 “Văn phòng đoàn ĐBQH là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH, đoàn ĐBQH tại địa phương. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước đảm bảo”. Tuy nhiên, ông Anh đặt câu hỏi: Vậy văn phòng đoàn ĐBQH có vị trí ở đâu trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương? Địa vị pháp lý như thế nào? Trực thuộc ai? Thẩm quyền trong quản lý điều hành bộ máy của văn phòng ra sao thì chưa được quy định rõ.

Ông Anh cho hay vị trí của văn phòng đoàn ĐBQH cần được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật. “Trong điều kiện hiện nay nếu thành lập riêng, văn phòng đoàn ĐBQH nên trực thuộc văn phòng QH đóng tại địa phương. Do chủ nhiệm văn phòng QH ra quyết định thành lập, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của trưởng, phó đoàn ĐBQH, có tư cách pháp nhân, con dấu…” - ông Anh nói.

Các ĐB khác lại cho rằng về mặt nhân sự, tổ chức của văn phòng đoàn ĐBQH thì nên do địa phương quán xuyến để phát triển cán bộ trẻ có năng lực ở địa phương. Nếu tổ chức nhân sự đưa về văn phòng QH sẽ làm phình bộ máy, những cán bộ trẻ có năng lực sẽ khó được phát huy. Cũng theo các ĐB nếu hoạt động độc lập trực thuộc văn phòng QH thì trong những lần công tác, tổ chức các nội dung quan trọng ở địa phương không có sự hỗ trợ từ UBND, HĐND sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc mượn xe đi công tác khi cần thiết cũng khó.

Được biết tới đây văn phòng đoàn ĐBQH sẽ được thành lập và tách khỏi văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND như trước đây. Theo đó, vào tháng 10-2015 sẽ trình về mô hình tổ chức và ngày 1-1-2016 sẽ thông qua nhưng đến nay vẫn có những ý kiến trái chiều như trên.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm