Siết quản lý đầu tư bằng vốn nhà nước

Cần sớm ban hành luật để quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các dự án, công trình công cộng, tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước là đề xuất của nhiều đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-1 về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2010.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết đầu tư bằng vốn nhà nước vào các lĩnh vực công ích, không nhằm mục đích kinh doanh chiếm tỉ lệ lớn trong tổng mức đầu tư toàn xã hội (20%-22%). Trong khi đó, việc quản lý hoạt động đầu tư này tuy được quy định ở nhiều luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đủ “lực” đẩy lùi tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và thất thoát, thiếu chế tài đủ mạnh… Đây chính là những yêu cầu bức thiết cần sớm ban hành Luật Đầu tư công.

Siết quản lý đầu tư bằng vốn nhà nước ảnh 1

Nếu luật đầu tư công đi vào cuộc sống sẽ hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Ảnh minh họa: HTD

Các ý kiến đều thống nhất xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư công sẽ theo quy trình hai kỳ họp - cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám vào giữa và cuối năm 2010.

“Dự án Luật Đầu tư công còn thiếu điều chỉnh vùng đầu tư của nhà nước vào các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư ở đây như thế nào?”

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban
Tài chính và Ngân sách của QH

Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội (QH) về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết việc điều chỉnh lần này xuất phát từ việc có những dự án không nhất thiết phải trình ra QH. Bởi nó sẽ dẫn đến việc chậm cơ hội đầu tư. Cạnh đó lại có một số dự án, công trình có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước quy mô lớn, dự án khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản quý hiếm với trữ lượng lớn, dự án đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn… cần phải được QH xem xét, quyết định. Một vài ý kiến cho rằng cần sớm thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung này tại kỳ họp thứ bảy dự kiến khai mạc vào tháng 5-2010 để Chính phủ sớm chủ động chỉ đạo, điều hành, thu hút đầu tư.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự luật trọng tài thương mại. Theo dự luật, ngoài cơ chế tòa án hỗ trợ trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, dự luật cũng trao cho hội đồng trọng tài quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Dự luật quy định hội đồng trọng tài có quyền lấy lời khai đương sự và người làm chứng, trưng cầu giám định…

Dự luật yêu cầu phán quyết trọng tài vụ việc phải được đăng ký ở tòa án nhằm xác định tính pháp lý, tạo cơ sở cho cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân thi hành. Trong khi đó, phán quyết của trọng tài quy chế không phải thông qua tòa án mà được bảo đảm bằng trách nhiệm và uy tín của trung tâm trọng tài.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm