Sẽ bỏ giám định pháp y trực thuộc công an các tỉnh?

Chiều 27-9, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về Dự án Luật giám định tư pháp có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh chuyện bỏ hay để tổ chức giám định pháp y trong lực lượng công an ở các tỉnh, thành.

Theo dự thảo luật giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y sẽ bao gồm: Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế, Viện Pháp y Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định Pháp y thuộc Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Trung tâm Pháp y tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Như vậy, so với quy định hiện hành, tổ chức giám định pháp y trong lực lượng công an ở các tỉnh sẽ không còn tồn tại.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đây là vấn đề đã được Chính phủ bàn bạc kỹ lưỡng. “Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, giám định pháp y ở công an các tỉnh không duy trì nữa, không tồn tại nữa. Bộ Y tế cũng đồng ý với quy định dự thảo luật đề ra” - ông Cường nói.

Trong khi đó, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng cần nghiên cứu lại vấn đề trên cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày cũng thể hiện hai quan điểm trái chiều.

Quan điểm vẫn để tồn tại pháp y thuộc công an các tỉnh với lập luận: “Hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc về quản lý nhà nước cũng như tổ chức việc giám định. Giữ như hiện hành sẽ phục vụ kịp thời cho quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng”.

Quan điểm bỏ pháp y thuộc công an các tỉnh lập luận: Tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm Giám định Pháp y thuộc ngành y tế sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ và tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, khắc phục sự thiếu thống nhất về quy mô, cơ cấu tổ chức…

Cùng ngày, TVQH cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình về Dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, dự thảo luật đề nghị lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc này.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm