Rút đề cử: Đại hội quyết định

Bên hành lang đại hội XII, sáng 21-1, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Liên quan tới công tác bầu cử tại đại hội, ông khẳng định việc ứng cử, đề cử đều được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, nghiêm túc theo quy chế.

. Phóng viên: Theo quy chế, có thể hiểu rằng các ủy viên trong Ban Chấp hành (BCH) cũ sẽ không ứng cử hay nhận đề cử tại đại hội, còn những ai không tham gia BCH cũ thì có thể nhận đề cử và tự ứng cử tại đại hội, thưa ông?

+ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Quy chế đã ghi rõ các ủy viên mà không được cấp ủy giới thiệu thì không được ứng cử và không được nhận đề cử. Nhưng khi ra đại hội thì đại hội có quyền quyết định và quyết định cao nhất là của đại hội.

Điều đó thể hiện dân chủ nhưng vẫn thực hiện theo các quy định của Đảng, bảo đảm dân chủ, tập trung, quyền của đại hội là quyền cao nhất.

Như vậy có thể hiểu là tại đại hội này, nếu các ủy viên trong BCH cũ được đề cử thì thẩm quyền vẫn là của đại hội quyết định?

+ Theo quy chế đã được đại hội thông qua, ủy viên BCH nhiệm kỳ cũ mà không được BCH nhiệm kỳ cũ giới thiệu thì người đó không được ứng cử.

Còn nếu được đại hội đề cử thì đồng chí đó phải xin rút, do quy định là không được ứng cử và không được nhận đề cử. Nhưng cuối cùng, quyền quyết định cao nhất vẫn là của đại hội.

Ví dụ đồng chí A là ủy viên BCH khóa cũ không được BCH khóa cũ giới thiệu để trình đại hội, tức là không có trong danh sách giới thiệu mà được đại hội giới thiệu thì đương nhiên đồng chí đó sẽ xin rút vì đồng chí đó là ủy viên BCH cũ, chắc chắn phải chấp hành nghị quyết, quyết định của BCH cũ và chấp hành quy chế bầu cử vừa được thông qua.

Nhưng quyết định cho rút hay không là do đại hội quyết định.

PHAN LỢI - VOV

Dự kiến ngày 27-1 bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư...

Công tác nhân sự là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Đại hội Đảng XII.

Theo kế hoạch, vấn đề nhân sự tại Đại hội Đảng XII được đưa ra thảo luận từ ngày 23-1. Cụ thể, chiều 23-1, đại hội sẽ nghe báo cáo của BCH Trung ương khóa XI về công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XII, thảo luận và biểu quyết về số lượng BCH Trung ương khóa XII (Trung ương khóa XII dự kiến sẽ có 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết - so với 175 và 25 khóa XI, tuy nhiên con số cụ thể sẽ tùy thuộc vào quyết định cũng như kết quả bầu cử tại ĐH).

Cả ngày Chủ nhật 24-1, đại hội làm việc tại đoàn, tiếp tục thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử BCH Trung ương khóa XII...

Dự kiến sáng thứ Ba 26-1, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu cử BCH Trung ương khóa XII tại hội trường. Chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu sẽ báo cáo kết quả bầu cử, công bố danh sách các đồng chí trúng cử vào BCH Trung ương khóa XII.

Theo quy trình, BCH Trung ương khóa XII sẽ bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Dự kiến ngày 27-1, đại hội nghỉ để BCH Trung ương khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sáng 28-1, đại hội công bố kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. BCH Trung ương khóa XII ra mắt đại hội.

Trong sáng 28-1, sau khi thông qua Nghị quyết Đại hội XII, Tổng Bí thư BCH Trung ương khóa XII đọc diễn văn bế mạc đại hội.

T.hoa - N.NHÂN

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm