Quyền tài phán về biển, đảo

Sinh viên Phạm Văn, Đại học Luật TP.HCM hỏi:

. Luật Biển quốc tế quy định quốc gia ven biển có chủ quyền ở nội thủy, lãnh hải của mình, đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy chủ quyền khác với quyền chủ quyền như thế nào? Quyền tài phán của quốc gia ven biển khác với quyền chủ quyền ra sao?

+ Chủ quyền (sovereignty) là quyền tối thượng của quốc gia trong việc thực hiện quyền đối nội và đối ngoại của nước mình. Nói cách khác, chủ quyền quốc gia là sự thể hiện quyền lực một cách hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia trong cả lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp trên toàn bộ lãnh thổ của mình mà không bị hạn chế nào bởi ảnh hưởng của bất cứ quốc gia nào khác. Lãnh thổ quốc gia bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng nước và vùng trời.

Thí dụ: Chủ quyền quốc gia Việt Nam theo luật quốc tế bao gồm quyền lực của nhà nước Việt Nam thể hiện đầy đủ ở khắp lãnh thổ đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Việt Nam. Vùng biển như đã nói gồm: nội thủy và lãnh hải - vùng biển cách xa bờ (đường cơ sở) không quá 12 hải lý. Trong khắp lãnh thổ ấy nhà nước Việt Nam có quyền lực hoàn toàn, đầy đủ một cách tuyệt đối (đối với nội thủy) hay không tuyệt đối (đối với lãnh hải).

Trên thực tế, quyền lực tối cao, tức là chủ quyền của quốc gia gồm có các quyền cụ thể như: quyền xác định chế độ chính trị-kinh tế-xã hội của mình; quyền sở hữu đối với tài nguyên thiên nhiên; quyền tài phán đối với mọi người và mọi tổ chức; quyền được bất khả xâm phạm lãnh thổ.

Còn quyền chủ quyền (sovereign right) là những bộ phận quyền cụ thể cấu thành chủ quyền. Thí dụ: Ở phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển có quyền thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật (cá, tôm...), tài nguyên phi sinh vật (dầu khí, các loại khoáng sản chứa dưới lòng đáy biển...). Vì các quyền ấy mang tính chất chủ quyền nên gọi là quyền chủ quyền.

Còn quyền tài phán (jurisdiction) là quyền của các cơ quan hành chính và tư pháp của quốc gia thực hiện giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật theo thẩm quyền của họ. Theo nghĩa thông thường, quyền tài phán là quyền xử lý, xét xử đối với các hành vi vi phạm.

Thí dụ: Quốc gia ven biển có quyền khám xét, kiểm soát, bắt giữ và khởi tố tư pháp, xét xử để xử lý các vi phạm về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, giữ gìn môi trường biển... ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Tư nhân có quyền kiện ra Tòa án quốc tế về chủ quyền biển, đảo?

Trần Văn Minh, tranminh@gmail.com hỏi:

. Một cá nhân hay vài cá nhân công dân hoặc một hiệp hội tư nhân nào đó có thể đứng đơn kiện nước khác ra Tòa án quốc tế để giải quyết về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo của nước mình không? Thủ tục cụ thể như thế nào?

+ Chủ thể công pháp quốc tế là quốc gia. Nói cách khác, quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế chỉ có thể là của quốc gia mà nhà nước là người đại diện. Cá nhân hay tổ chức tư nhân không có khả năng thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế đã được công pháp quốc tế quy định. Do đó, chỉ có nhà nước mới có thể thực hiện quyền đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế. Cá nhân không được.

ANH PHÓ

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm