Quỹ hỗ trợ ngư dân: Chưa thể triển khai vì thiếu tiền!

Luật Thủy sản được ban hành từ năm 2003 nhưng đến nay đã lộ ra nhiều bất cập. Trong đó có hàng loạt nội dung cần sửa đổi, bổ sung như quản lý tàu cá xa bờ; đảm bảo an toàn, hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên biển và thành lập lực lượng kiểm ngư… Đây cũng là những vấn đề được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến định hướng cho dự án sửa đổi Luật Thủy sản ngày 8-6 tại Bộ NN&PTNT.

Thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể

Theo ông Đặng Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), lâu nay chúng ta không có cơ chế phân chia các vùng biển nên khó quy trách nhiệm cho từng bộ, ngành quản lý. Phần lớn đều đổ dồn về Bộ NN&PTNT, gây nên sự quá tải.

Cũng theo ông Huy, trường hợp tàu của ngư dân hoạt động ở vùng biển xa thì thuyền viên phải có hộ chiếu chứ không thể chỉ có thẻ thuyền viên. Hộ chiếu để khẳng định ngư dân là người Việt Nam, trong trường hợp bị bắt còn có giấy tờ để chứng minh. “Tuy nhiên, việc triển khai lại không đồng bộ, không ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó, phần lớn thuyền viên của ta ít hiểu biết luật pháp quốc tế nên khi gặp sự cố không biết cách xử lý. Theo tôi, cái chính nằm ở cơ chế chính sách quan tâm đến ngư dân” - ông Huy băn khoăn.

Quỹ hỗ trợ ngư dân: Chưa thể triển khai vì thiếu tiền! ảnh 1

Hầu hết ngư dân của ta chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đi biển lâu năm, sử dụng công cụ thủ công. Ảnh: HTD

Hiện nay, đa phần phương tiện tàu cá của ngư dân còn thô sơ. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn lực kinh tế thì muốn phát triển các đội tàu hiện đại còn phải có con người quản lý sử dụng. “Tức là phải hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực làm nghề bởi hầu hết ngư dân của ta chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đi biển lâu năm, sử dụng công cụ thủ công” - ông Huy nói.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng tuy Luật Thủy sản có ghi nhận Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với việc đánh bắt thủy sản xa bờ nhưng cụ thể thế nào thì chưa rõ: Nhà nước bảo hộ cái gì? Trường hợp xảy ra sự cố tranh chấp thì sẽ xử lý ra sao?

Ngư dân vẫn tự bơi là chính

Những năm gần đây, trước tình trạng ngư dân Việt Nam mưu sinh trên biển liên tục bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc…, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Nhưng theo ông Huy, hiện Bộ NN&PTNT vẫn chưa thể triển khai quỹ này vì không có tiền. “Trước đây có quỹ hỗ trợ nghề cá hay còn gọi là quỹ nhân đạo nghề cá với mức hỗ trợ cũng rất thấp, khoảng 2 triệu đồng, không thấm vào đâu so với những đặc thù của ngành thủy sản. Để thành lập được quỹ hỗ trợ ngư dân thì cần phải có nguồn tiền nhưng lấy ở đâu ra khi mà thuế nghề cá hiện không còn áp dụng. May chăng trích từ quỹ xuất khẩu thủy sản qua thì mới thực hiện được” - ông Huy nói.

Trong khi quỹ hỗ trợ ngư dân chưa thể triển khai thì vấn đề bảo hiểm cho ngư dân cũng không được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), cho biết mỗi chuyến đánh bắt xa bờ ít nhất ngư dân phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, bảo hiểm ngư dân lại không được họ thiết tha. “Vừa qua Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên, có những ngư dân nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Tuy nhiên, mức chi trả quá thấp (20 triệu đồng/tàu, người) khiến họ không mặn mà” - ông Cường cho hay.

Khai thác thủy sản như đánh mò

Hiện nay, vấn đề bảo vệ, điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường vẫn chưa làm được xứng tầm. Tình trạng khai thác thủy sản của chúng ta giống như đánh mò chứ chưa chỉ cho ngư dân chỗ đánh bắt đúng và trúng. Quản lý tàu cá cũng còn nhiều hạn chế. Hệ thống đăng kiểm đang thiếu đăng kiểm viên trầm trọng (nhu cầu cần hơn 1.300 nhưng mới chỉ có 165 đăng kiểm viên, chưa kể các đăng kiểm viên này chưa thống nhất trong khâu đào tạo chuyên môn). Chắc chắn tới đây sẽ đưa vấn đề này vào luật để quy định cụ thể hơn.

Hiện đề án thành lập lực lượng kiểm ngư đang được Thủ tướng xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, để thực hiện đề án này không hề đơn giản, trong đó xây dựng lực lượng con người là yếu tố cơ bản. Vấn đề này cũng sẽ được đưa vào luật.

Ông VŨ VĂN TÁM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm