Quy định cấp phó: Đừng vừa cứng lại vừa mềm

ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng: “Chúng tôi xin thể hiện quan điểm là đối với các bộ không quá năm thứ trưởng. Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không quá sáu thứ trưởng. Riêng Bộ Ngoại giao, đề nghị QH ghi mềm ở chế định này, đó là số lượng thứ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ do CP đề nghị căn cứ trên hoạt động đối ngoại của Nhà nước và được Ủy ban Thường vụ QH chấp nhận”.

ĐB Hà cũng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Văn phòng CP. “Văn phòng CP có bao nhiêu phó văn phòng CP thì không quy định nên có thể lên tới 7-8 người hoặc 8-9 người cũng được. đề nghị rõ địa vị pháp lý của Văn phòng CP là cơ quan, không phải là bộ nhưng có phải là cơ quan ngang bộ hay không thì cần thiết kế trong Điều 39 và Điều 41”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho hay mặc dù đã đưa ra một nguyên tắc “cứng”, tức là các bộ không quá năm thứ trưởng; Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an không quá sáu. Nhưng bên dưới lại thòng một câu là: “Trường hợp đặc biệt, sáp nhập các cơ quan ngang bộ; yêu cầu điều động của cơ quan có thẩm quyền, CP trình Ủy ban Thường vụ QH tăng số lượng thứ trưởng, phó của các cơ quan ngang bộ. Như thế thì làm sao được? Tôi đề nghị phải bỏ chỗ này” - ĐB Thuyền nói.

Hà Nội, TP.HCM có không quá năm phó chủ tịch

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hầu hết các ĐB đều đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay (cấp nào cũng đều có HĐND và UBND) nhưng có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.

Mặt khác, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng thêm số lượng thành viên UBND, vì điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ tạo ra cơ cấu cồng kềnh, không phù hợp với yêu cầu xây dựng một bộ máy hành chính gọn nhẹ, linh hoạt. Về cơ cấu này, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho quy định UBND cấp tỉnh có ba phó chủ tịch; đối với TP Hà Nội, TP.HCM có không quá năm phó chủ tịch. Trong khi đó UBND cấp huyện có hai phó chủ tịch; UBND cấp xã có một phó chủ tịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm