Quản lý giá thuốc: Nên ủng hộ việc xóa độc quyền!

PV đã phỏng vấn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, PGS-TS dược, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

. Thưa bà, quan điểm riêng của bà thì nên để bộ nào quản lý giá thuốc?

+ Vấn đề không phải là bộ nào mà là cơ chế quản lý như thế nào. Ví dụ, bây giờ đây người ta tăng giá thuốc đó thì mình làm gì được họ?! Cho nên ý của bộ trưởng Y tế rằng sẽ không quản lý giá thuốc nữa vì “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì cũng là một hướng nhưng đến giờ phút này thì chưa phải là chính thức. Vấn đề là phải quản lý đồng bộ, không phải bộ này quản hay bộ kia quản.

DN quyết định giá bán lẻ: Lời to

. Vậy theo bà cơ chế quản lý hiện nay dở ở chỗ nào và cần thay đổi ra sao?

+ Phải có biện pháp, công cụ chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm về giá. Chứ hiện nay doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ, chỉ cần bán đúng giá niêm yết nhưng một viên thuốc qua lòng vòng nhiều tầng nấc, từng nấc đều có lời nhưng lại không có vi phạm thì làm sao mà xử. Nếu doanh nghiệp có vi phạm đạo đức đấu thầu thì cũng chỉ có thể thông báo cho các bệnh viện biết mà đánh điểm đạo đức xuống thấp mà thôi.

Thứ hai là xem loại thuốc nào mình đã sản xuất được, giá coi được rồi thì cần hạn chế nhập khẩu. Hiện ta có trên 100 nhà máy đạt chuẩn, công suất mới khai thác có 50% thôi mà vẫn nhập ào ào. Có cái nghịch lý là thuốc ngoại đắt hơn thuốc nội rất nhiều vẫn bán được là vì ta còn tâm lý sính ngoại, đồng thời có tác động giữa doanh nghiệp bán thuốc với bác sĩ kê đơn. Người bán thuốc cứ đội giá cao, phần chênh lệch đó thì họ tổ chức quảng cáo, chen lấn vô bệnh viện, tác động đến bác sĩ nên không loại trừ có tiêu cực, hoa hồng. Chưa kể hiện nhiều loại thuốc ta sản xuất chất lượng tốt, nhiều bác sĩ mua về, bóc xé hết bao bì đi rồi bán cho bệnh nhân với giá thuốc ngoại.

Quản lý giá thuốc: Nên ủng hộ việc xóa độc quyền! ảnh 1

Bệnh nhân sẽ dễ thở hơn khi giá thuốc được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Ảnh: HTD

Còn đấu thầu thì còn lắm chuyện

. Thuốc nội tốt thế, giá rẻ thế thì sao lại không trúng thầu bệnh viện công, thưa bà?

+ Giá thuốc nội của mình rất rẻ, không bằng một viên kẹo đường mà không trúng thầu vào bệnh viện được đó mới là vấn đề. Do đó, đề xuất cần có một ủy ban về quản lý giá, đấu giá quốc gia (gọi tắt là ủy ban quốc gia) là ý của nhiều người, trong đó có tôi, là không dùng cách đấu thầu nữa. Bởi vì qua đấu thầu thì còn nhiều đơn vị rớt thầu không phải vì giá cao hay thuốc kém chất lượng đâu, mà vì trong hồ sơ kỹ thuật của họ có nhiều cái vướng. Trong hoạt động thầu còn nhiều cái để tác động “hướng thầu” lắm nên đấu thầu là không ăn thua!

. Vậy tại sao không để Bộ quản đấu thầu mà phải chuyển cho ủy ban quốc gia mà Bộ chỉ là thành viên?

+ Làm ủy ban quốc gia là tính cho số đông. Mỗi bệnh viện đều có một phác đồ điều trị chuẩn cho mỗi bệnh. Mỗi bệnh sẽ xài những nhóm gồm thuốc 1, thuốc 2. Có ủy ban quốc gia thì sẽ kê lại thành một danh sách thuốc cần dùng, ủy ban quốc gia đó sẽ đứng ra thương lượng với các hãng dược, nếu đồng ý giá rẻ hơn thị trường thì ký kết hợp đồng cung ứng. Hãng nào trúng thầu thì làm những dây chuyền sản xuất riêng cho bệnh viện dùng, thay vì đóng từng vỉ lẻ 10 viên thì đóng luôn chai 1.000, 2.000 viên để giảm cả tiền bao bì cho dân dùng.

. Xin cảm ơn bà.

Đại biểu CAO SỸ KIÊM (Thái Bình):

Đó là sự dũng cảm

Ngay sau khi bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về việc không muốn độc quyền quản lý giá thuốc, tôi đã gặp trực tiếp chị Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự ủng hộ. Tôi cho rằng đây là một hành động hết sức dũng cảm, thẳng thắn, dám từ bỏ đi những đặc quyền, quyền lợi mà đơn vị mình có thể nhận được.

Rất nhiều bộ, ngành đang cố giữ lại các sự độc quyền cho ngành mình. Sự độc quyền theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” ấy tạo ra nhiều sự bức xúc trong dư luận và đôi khi đó còn là sự thiếu công bằng, không tạo ra lợi ích cho người dân.

Vì thế tôi cho rằng các bộ trưởng, các ngành khác cũng cần dũng cảm, thẳng thắn như ngành y tế, từ bỏ đi cái quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Chính phủ cũng nên ủng hộ ngành y tế để họ từ bỏ cái quyền đó và tập trung vào công tác chuyên môn nhiều hơn. Họ đứng ngoài việc quản lý giá thuốc sẽ giám sát một cách chặt chẽ, công tâm, khi đó sẽ không còn tình trạng thổi giá, hay giá thuốc trong nước cao hơn giá thuốc thế giới.

THÀNH VĂN ghi

Đại biểu HUỲNH VĂN TÍNH (Tiền Giang):

Cho phép khuyến mãi thuốc 50% là kẽ hở

Hằng năm Cục Quản lý Dược cho nhập hàng ngàn loại thuốc, trong khi ở Thái Lan lại chỉ cho phép nhập năm, 10 loại mỗi năm. Cử tri hiện nay lo lắng nhất là giá thuốc ngoại mới, thuốc biệt dược tăng quá cao vượt quá khả năng của người dân. Có nguyên nhân là vướng về cơ chế như Luật Dược quy định khuyến mãi thuốc theo pháp luật về khuyến mãi nhưng Luật Thương mại lại quy định rất lỏng doanh nghiệp được khuyến mãi tối đa 50%. Do vậy, các hãng dược khuyến mãi dưới 50% là rất khó xử lý. Đồng thời, nghị định Chính phủ quy định về đấu thầu thuốc đối với hàng hóa là dịch vụ tư vấn là chưa hợp lý. Mặt khác, hiện nay Bộ (Y tế) là đơn vị nhập thuốc đồng thời đưa ra giá thuốc cũng là đơn vị kiểm tra giá thuốc là rất bất cập.

(Lược ghi phát biểu tại Quốc hội sáng 14-11)

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.