Phúc lợi xã hội chưa đến với người nghèo

Hội thảo được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội.

Theo bà Lan, chương trình hàng bình ổn giá vẫn chưa thực sự đến được với người nghèo. Hàng bình ổn luẩn quẩn ở siêu thị trung tâm nên các mặt hàng này chủ yếu hướng về người giàu vì chỉ có người thu nhập ổn định mới mua hàng ở siêu thị. Trong khi tiền cho chương trình được lấy từ thuế nên khác nào lấy của người nghèo chia cho người giàu? Bà đề xuất nên đưa hàng của chương trình này về nông thôn, các vùng ngoại thành, các khu công nghiệp...

GS Nguyễn Thắng, Viện trưởng Trung tâm Phân tích và dự báo - Viện KHXHVN, cho rằng giá lương thực tăng thì giá thành vận tải, dịch vụ… sẽ tăng theo, người nông dân lại chịu thiệt thòi. “Nông dân chịu toàn bộ phần tăng của giá đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… Như vậy đầu ra thì chỉ tăng chút ít, trong khi đầu vào tăng quá cao” - ông Thắng nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Hai đối tượng cần được hỗ trợ về an sinh nhiều nhất là người làm công ăn lương và nông dân. “Tôi thấy tiền trợ giúp cho nông dân toàn rơi vào khâu trung gian! Cần thay đổi cơ chế chính sách với nông nghiệp thì mới tăng năng suất cho khu vực này được. Trước hết phải thay đổi Luật Đất đai chứ như hiện cứ kêu là giữ đất nông nghiệp trong khi 1 m2 đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng bán cả chục triệu đồng thì ai giữ đất?”.

Bên lề hội thảo, một chuyên gia của lĩnh vực an sinh xã hội cho biết dự thảo Chiến lược an sinh xã hội đang được Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, sẽ sớm trình Chính phủ. Với đối tượng công nhân, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng Đề án dịch vụ xã hội cho công nhân. Một số chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm mùa vụ, bảo hiểm xã hội cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm