Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vinashin, tái cơ cấu vẫn lợi hơn!

Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 14-6 diễn ra khá sôi động với nhiều thông tin đáng lưu tâm.

Vinashin vẫn lỗ nặng

Đề cập đến Vinashin và Vinalines, đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng: Đây là gam màu tối khi bàn giao cho nền kinh tế những khoản nợ xấu khổng lồ, những con tàu thành sắt vụn. Ông Tiến đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trách nhiệm cá nhân trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vụ việc tham nhũng cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo ông Phúc, có hai nguyên nhân dẫn đến việc đổ vỡ của Vinashin là do tập đoàn chủ quan trong quản trị, được Nhà nước giao vốn, tự mở rộng khắp nơi nhưng không quản lý được. Nguyên nhân khách quan là do tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ông Phúc cũng cho hay Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, cụ thể là bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình - nguyên chủ tịch HĐQT và các cán bộ có liên quan. “Pháp luật đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ trực tiếp quản lý vốn Nhà nước tại tập đoàn để xảy ra thất thoát, lãng phí” - ông Phúc nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vinashin, tái cơ cấu vẫn lợi hơn! ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Về việc tái cơ cấu Vinashin, ông Phúc nói Chính phủ đã chỉ đạo 19 ngân hàng trong nước giãn nợ. 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay cũng được khoanh lại. Tuy nhiên, Vinashin hiện nay vẫn còn lỗ rất nặng. “Có ý kiến cho rằng khó khăn như vậy tại sao không phá sản mà lại tái cơ cấu. Chúng ta cân nhắc giữa hai việc này cái nào lợi hơn thì làm. Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước và Việt Nam cần có một công ty đóng tàu. Nếu phá sản thì Nhà nước phải trả nợ thay, vừa mất tiền, vừa mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và 30.000 gia đình không có cuộc sống ổn định. Vì vậy, tái cơ cấu vẫn lợi hơn” - ông Phúc nói.

Cần xác định trách nhiệm cá nhân

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), ông Phúc thừa nhận chưa đạt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi. “Tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, nhất là một số cấp, ngành liên quan, gây bức xúc cho nhân dân. Vì thế, đồng chí Lê Như Tiến có hỏi thời gian tới cần làm gì, chúng tôi xin nói là cần phải tuyên truyền mạnh mẽ luật PCTN hơn, tăng cường kiểm tra, điều tra, kiểm toán và xử lý kiên quyết các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có”.

Chưa hài lòng với những câu trả lời trên, ông Tiến nói thẳng: “Bản chất của chất vấn là xác định trách nhiệm cá nhân và xin phó thủ tướng sử dụng từ “tôi” thay cho từ “chúng ta” để không làm mờ nhòe trách nhiệm cá nhân, với trách nhiệm của tập thể Chính phủ”. Ông Tiến đặt vấn đề: Từ khi nhận trọng trách này, phó thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đưa ra ánh sáng bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình, giải quyết dứt điểm bao nhiêu vụ khiếu kiện tố cáo tồn đọng của nhân dân? “Bài học nào là tâm đắc, sâu sắc và đắt giá nhất cả thành công hay chưa thành công mà phó thủ tướng rút ra trong quá trình chỉ đạo các vụ việc nóng, nhạy cảm, phức tạp?”.

Hoan nghênh ý kiến của ĐB Tiến, ông Phúc trả lời: “Trước đây, Thủ tướng làm trưởng Ban PCTN, tôi làm phó ban, tôi đã chỉ đạo quyết liệt, chủ yếu là xây dựng thể chế, đôn đốc kiểm tra và cũng đã xử lý được một số vụ việc nổi cộm, kiên quyết, đúng pháp luật… Các lĩnh vực mà tôi phụ trách cũng đã cố gắng. Chúng tôi tâm huyết nhất là giải quyết đơn thư tố cáo. Bài học tâm huyết là trách nhiệm chịu trách nhiệm trước Thủ tướng những vấn đề, lĩnh vực mình quan tâm”.

“Dự án bauxite vẫn hiệu quả”

Đề cập về các dự án bauxite, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề: Chính phủ đánh giá hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế, xã hội của các dự án bauxite thế nào? Cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến việc vận chuyển bauxite làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường sá, đề nghị phó thủ tướng nói rõ?”.

Việc triển khai gói hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà trị giá 30.000 tỉ đồng còn chậm, Chính phủ sẽ cố gắng giải ngân khoảng 15.000-20.000 tỉ đồng trong năm nay. Chính phủ cũng đặt mục tiêu cho ngành ngân hàng giải quyết khoảng 105.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay.

Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin: Nước ta có trữ lượng lớn về bauxite. Năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương làm trên ba cơ sở là bảo đảm hiệu quả kinh tế, có công nghệ tiên tiến và phải bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, ông Phúc lại đề nghị: “Đồng chí Trần Xuân Hòa (cũng là ĐBQH - PV) - Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phát biểu để báo cáo trước QH”.

Đề nghị trên của phó thủ tướng ngay lập tức bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bác: “Ông Hòa là chủ đầu tư mà lên nói thì không khách quan. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, của quản lý nhà nước, đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cuối buổi phát biểu”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau đó đã phát biểu trả lời với nội dung cơ bản như ông đã trao đổi với báo chí bên hành lang QH mấy hôm trước: Khẳng định chủ trương chỉ đạo nhất quán là trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xem xét điều kiện thị trường, hiệu quả của dự án. Nếu phát hiện dự án không hiệu quả thì phải có giải pháp để xử lý, không có giải pháp xử lý thì phải dừng dự án…

Riêng công trình Tân Rai đã cơ bản hoàn tất đầu tư, đưa vào vận hành, phó thủ tướng khẳng định Bộ Công Thương và chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế. Theo đó, kể cả trong tình huống “bảo thủ nhất” - tính theo giá xuất khẩu thấp nhất thì vẫn có hiệu quả, mặc dù thời gian lỗ kế hoạch sẽ phải kéo dài hơn, từ ba năm như dự kiến ban đầu lên năm năm...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm