Phát huy công cụ pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường

Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-Khía cạnh lịch sử và pháp lý” do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 27-4.

Luật quốc tế đã minh định chủ quyền Việt Nam

Như lời Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, ghi nhận, thời gian qua nhiều cuộc hội thảo về biển Đông đã được tổ chức ở nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên một hội thảo quốc tế chuyên đề về Hoàng SaTrường Sa được tổ chức.

Hơn 50 đại biểu tham dự hội thảo là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Ý, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam.

Các vấn đề thảo luận gồm: Quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc lãnh thổ được luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi; các bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vấn đề liên quan ở biển Đông hiện nay.

Trong một ngày làm việc khẩn trương với hai phiên thảo luận, đã có 13 phát biểu tham luận trình bày tại hội thảo và hàng chục ý kiến trao đổi.

Giáo sư-Tiến sĩ luật Tạ Văn Tài (bang Massachusetts, Mỹ) nhận định: “Khi bàn luận về tranh chấp với Trung Quốc, chúng ta nên nhớ luật quốc tế đã nói chắc chắn về các quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như đinh đóng cột”.

Ông đã viện dẫn có hệ thống các quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh các lợi ích hay quyền lợi quốc gia về đảo và biển của Việt Nam tại biển Đông.

Vừa tập trung phân tích ở khía cạnh luật pháp theo luật quốc tế truyền thống vừa xét đến các bằng chứng lịch sử, Giáo sư Tạ Văn Tài chứng minh chủ quyền đất đai về đảo và đá của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời khẳng định quyền chủ thể về các tài nguyên trong vùng kinh tế đặc quyền.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) khẳng định pháp lý quốc tế đã xác lập chủ quyền của Việt Nam mang tính nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1909. Và từ đó đến nay, Việt Nam đã quản lý, khai thác một cách liên tục, hòa bìnhtừ khi hai quần đảo này còn là vùng đất vô chủ.

Phát huy công cụ pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường ảnh 1

Các đại biểu quốc tế và Việt Nam dự hội thảo quốc tế về Hoàng Sa và Trường Sa do Trường ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 27-4. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc sai về luật pháp quốc tế

Tham luận của các đại biểu Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ, Thụy Điển, Úc, Ý đã tập trung phân tích các khía cạnh của luật pháp quốc tế, qua đó khẳng định hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế; các hoạt động tranh chấp, gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay là trắng trợn chà đạp lên công pháp quốc tế.

Các học giả đưa ra hàng loạt cơ sở pháp lý để khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi lý. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh: “Ngay cả cái tên Tây Sa, Nam Sa chỉ mới xuất hiện từ năm 1919”.

Các ý kiến cho rằng việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” và đang ráo riết triển khai các hoạt động củng cố “Tam Sa”, nhất là việc Trung Quốc thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự ở “TP Tam Sa”, ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam” là nhằm khống chế, kiểm soát biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông.

Giáo sư Tạ Văn Tài kể, ông đã trực tiếp chất vấn nhiều luật gia của Trung Quốc về các hành động xâm chiếm, về lòng tham tài nguyên dầu khí của nước này tại biển Đông nhưng hầu hết đều tảng lờ. “Tại hội nghị về tranh chấp biên giới biển do các hãng dầu trên thế giới tổ chức với sự tham gia của các luật gia về luật biển tại Texas (Mỹ) hồi tháng 4-2010, chúng tôi đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và đại diện Trung Quốc không thuyết trình được. Chúng tôi hỏi thêm với đại diện Trung Quốc: Liệu hạm đội 7 của Mỹ có phải xin phép Trung Quốc mỗi lần đi qua khu vực “đường lưỡi bò” hay không? Đại diện Trung Quốc nói lảng sang chuyện khác. Một số luật gia Mỹ trong hội nghị nói giỡn là nếu Trung Quốc đòi nhận tất cả các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa và gần hết vùng biển của biển Đông là của họ và bắt mọi người qua các vùng đó phải tuân theo luật Tàu thì nước nào cũng có thể tuyên bố vịnh Mexico là của mình và đòi các nước khác giao thương qua đó phải theo luật riêng!”.

Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Quốc, đã công bố và phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa, qua đó chứng minh trong lịch sử từ Hán đến Thanh, các nền quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng biển Nam Hải và xác định hải giới ở cực nam đảo Quỳnh Châu.

Cần nhờ đến tòa án trọng tài quốc tế

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng như nhiều học giả quốc tế cho rằng Việt Nam quảng bá sự thật lịch sử về chủ quyền chưa nhiều. Giáo sư-Tiến sĩ Tạ Văn Tài ghi nhận Việt Nam chưa vận dụng và khai thác có hiệu quả các công cụ pháp lý quốc tế. Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, đề xuất: “Khi chúng ta quảng bá nhiều các bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử, áp dụng công pháp quốc tế một cách mạnh mẽ thì sẽ thức tỉnh các nước ASEAN cũng như các nước trên thế giới cùng nhau lên tiếng phản đối Trung Quốc để mang lại lợi ích chung cho toàn cộng đồng.

Đề cập đến sự kiện Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế căn cứ phụ lục VII của Công ước LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS), các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng việc làm của Philippines đã mở ra một cục diện mới cho giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp pháp lý.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: “Tôi rất hoan nghênh và cảm phục tinh thần, quyết tâm của Philippines trong việc kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Tôi chắc chắn là không có tòa án nào thừa nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đường lưỡi bò không có cơ sở lịch sử pháp lý nào cả. Và rõ ràng là người ta phủ quyết cái đó thì sẽ có lợi cho chúng ta và nhiều nước trong cuộc tranh chấp này”.

Các ý kiến ghi nhận Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippines bộc lộ rõ Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở biển Đông.

Một số ý kiến cho rằng chính vì Trung Quốc không có chứng lý, Việt Nam cần đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế.

Đề cập đến việc Trung Quốc trắng trợn vi phạm Hiệp định Hợp tác nghề cá và UNCLOS trong hành động kỳ thị, xua đuổi, đánh đập ngư dân Việt Nam, không cho ngư dân Việt Nam trú bão, Giáo sư-Tiến sĩ Tạ Văn Tài nói: “Phải nghĩ đến việc đem việc Trung Quốc vi phạm quyền sống của dân chài Việt Nam ra tòa án về luật biển của UNCLOS vì Trung Quốc không ngừng vi phạm”.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều học giả nhận định Việt Nam cần dùng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi biển đảo của mình bởi đó là khí giới đầy chính nghĩa!

Các đại biểu nhất trí cho rằng hoà bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực; các quốc gia ven biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.

Ngày 28-4, các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế sẽ tham dự lkhao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm