Phản đối việc xây thủy điện trên dòng Mê Kông

Ngày 14-1, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo Tham vấn quốc gia về thủy điện Sayaboury của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều không đồng ý việc xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, hoặc yêu cầu phải hoãn lại một thời gian để có sự chuẩn bị, tham vấn đầy đủ từ các quốc gia liên quan.

Phải đối thoại

Đập Sayaboury - công trình đầu tiên trong số 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại dòng chính của sông Mê Kông. Chủ đầu tư đã tiến hành quy trình “Thủ tục thông báo - Tham vấn trước và Thỏa thuận”. Theo Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, công trình đập thủy điện Sayaboury nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách ĐBSCL 1.930 km, dài 810 m, dự kiến sản xuất 1.260 MW điện, trong đó 95% sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan.

Tại hội thảo, các ý kiến chỉ ra rằng việc xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ làm cạn kiệt nguồn cá và sự di trú, sinh sản của cá; đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, tác động đến hệ sinh thái và quan trọng hơn là tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Theo TS Hà Thanh Toàn (ĐH Cần Thơ), nếu không kiên quyết phản đối việc xây thủy điện trên dòng chính sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia khác xây những đập còn lại. Vì vậy, ông đề xuất phải tổ chức đối thoại về việc xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Phản đối việc xây thủy điện trên dòng Mê Kông ảnh 1

Hệ sinh thái trên dòng sông Mê Kông sẽ mất dần khi nhiều quốc gia xây công trình thủy điện. Trong ảnh: Một đoạn sông Mê Kông chảy qua thành phố Luang Prabang, Lào. Ảnh: LPQ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên lưu ý là nhà nước cần đầu tư kinh phí để nghiên cứu, đưa ra các luận cứ khoa học nhằm làm rõ những tác hại nặng nề của việc xây đập thủy điện. Có luận cứ vững chắc và có minh chứng đầy đủ, khoa học thì mới thuyết phục được cộng đồng quốc tế cũng như bảo vệ được quan điểm của mình. Chia sẻ với ông Nguyên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu cần có phương án “xấu”. Bởi nếu không ngăn được việc xây đập thủy điện thì phải có biện pháp đối phó, ứng phó và những việc này cần phải làm ngay để tránh bị động.

Phải tính chuyện “sống chung”?

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh việc giữ vững quan điểm phản đối việc xây đập thủy điện, Việt Nam cần có sự chuẩn bị ngay những giải pháp để “sống chung”. Bởi nếu mọi nỗ lực phản đối bất thành và đập thủy điện Sayaboury vẫn được tiến hành, các quốc gia khác vẫn tiếp tục triển khai hàng loạt đập thủy điện khác thì nguy cơ “vựa lúa” ĐBSCL sẽ gánh chịu mọi hậu quả từ việc thiếu nước đến sạt lở, xâm nhập mặn… là hoàn toàn có thể xảy ra, tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, phân tích: “Tại hội thảo, những thông tin từ Ủy ban sông Mê Kông đưa ra cần chi tiết hơn và các nghiên cứu đánh giá tác động còn thụ động. Ai cũng biết một khi các đập thủy điện trên dòng chính hình thành sẽ có những tác động khủng khiếp với vùng hạ lưu, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là vùng ĐBSCL nhưng lại không chỉ ra những giải pháp cụ thể nào để thích ứng, hạn chế. Chính phủ, Bộ TN&MT đã làm gì để vùng ĐBSCL thay đổi cơ chế sản xuất và có giải pháp thích nghi?”. Vì vậy, ông kiến nghị: “Phải có những nghiên cứu về đất, nước để có giải pháp chiến lược về sử dụng nước tiết kiệm hơn, trữ nước và đưa ra mô hình sản xuất hợp lý”.

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu sẽ được ghi nhận, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ để có giải pháp thích ứng, ứng phó.

Ông TRƯƠNG HỒNG TIẾN, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam:

Việt Nam hoàn toàn bất lợi

Hiện có 11 công trình thủy điện (trong đó có đập Sayaboury) của các nước Lào, Thái Lan, Campuchia dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Việt Nam là quốc gia duy nhất không có thủy điện dòng chính nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông. Cụ thể, lượng phù sa giảm từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm, lượng chất dinh dưỡng giảm từ 4.157 tấn/năm xuống còn 1.039 tấn/năm. Từ đó năng suất nông nghiệp và thủy sản giảm, hiện tượng xói lở bờ, giảm bồi lắng ven biển gia tăng dẫn đến mất cơ hội mở rộng vùng lãnh thổ. Sản lượng đánh bắt cá của Việt Nam giảm 200.000-400.000 tấn/năm, hệ sinh thái sông bị đứt, làm mất đi một số giống cá có tính di cư.

Ngoài ra, dòng chảy về ĐBSCL trong mùa khô sẽ có nguy cơ bị giảm, làm gia tăng diện tích ngập mặn, đặc biệt khi có sự kết hợp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Có khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng gián tiếp do thu nhập của họ chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

60 triệu người sinh sống nhờ vào sông Mê Kông từ thượng nguồn đến hạ lưu. Hằng năm có khoảng 2,6 triệu tấn cá được khai thác ở hạ lưu, đem lại khoảng 2 tỉ USD. Tại ĐBSCL, lượng thủy sản khai thác từ sông Mê Kông cung cấp cho cả nước chiếm 48%…

Thiếu điện thì có thể tìm giải pháp khác nhưng mất đi hệ sinh thái là mất vĩnh viễn. Do đó, trong vấn đề Lào xây đập Sayaboury, chúng ta không bị động mà hoàn toàn chủ động. Lào xây thủy điện để bán điện cho Việt Nam và Thái Lan, nếu chúng ta và Thái Lan không mua điện thì rõ ràng họ khó mà xây thêm đập trên dòng chính sông Mê Kông.

Thạc sĩ KỶ QUANG VINH, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT TP Cần Thơ

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm