Phải phạt cả cơ quan công quyền?

Những lúng túng trong triển khai cấm, hạn chế xe ba, bốn bánh tự chế ở TP.HCM, thực hiện lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tình trạng dân tình náo loạn đi “cứu” SIM thuê bao di động trả trước những ngày qua minh chứng rõ điều đó.   

Câu hỏi đặt ra là tại sao đã có thời gian chuẩn bị mà vẫn bị động?

Người dân rề rà, ỷ lại đã đành, các cơ quan công quyền cũng có chung tâm lý chờ “nước đến chân mới nhảy”. Đơn cử: Để thực hiện lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng, các nơi cấm hút thuốc phải treo bảng cấm để người dân biết nhưng thực tế rất ít nơi treo bảng. Việc xây dựng những khu vực riêng để hút thuốc lại càng hiếm. Chưa kể, nếu cơ quan, tổ chức, quán ăn… không thực hiện các quy định này cũng chưa chắc bị chế tài. Việc xử phạt người hút thuốc ở nơi cấm cũng nan giải không kém bởi thiếu lực lượng xử phạt. Trước đây chỉ thanh tra y tế được xử phạt, nay mở rộng đến cả UBND các cấp, lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành nhưng lực lượng này vẫn quá mỏng, lại không trực tiếp và thường xuyên có mặt tại các địa điểm công cộng để thực thi nhiệm vụ…

Công thức chung để một quy định đi vào cuộc sống là phải thực hiện đồng bộ các bước: ra quy định, tuyên truyền, chuẩn bị nhân sự, phương tiện để giám sát và xử phạt. “Kỳ tích mũ bảo hiểm” trước đây là một kinh nghiệm tốt về công tác chuẩn bị đồng bộ này. Bỏ qua hoặc xem nhẹ bất cứ bước nào cũng dễ tạo ra những hệ lụy mà dễ thấy nhất là luật không nghiêm, phải gia hạn tới gia hạn lui khiến dân lờn luật, hoặc bi đát hơn là luật phải nằm mốc meo trên giấy.

Ý thức chấp hành pháp luật phải bắt đầu từ các cơ quan công quyền. Người dân thụ động, rề rà thì bản thân họ bị thiệt (bị phạt, mất quyền lợi…). Lẽ nào cơ quan công quyền làm chậm, thiếu trách nhiệm thì không sao?

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm