Phải coi là “công vụ”

Hôm qua, ông Nguyễn Quang Thống, ủy viên thường vụ thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đã phải thốt lên: “Các vụ việc này nếu không được giải quyết sẽ làm thui chột ý chí chống tiêu cực của anh em!”. Theo lãnh đạo Hội Nhà báo, nghề báo đã trở nên “nghề nguy hiểm” thực sự.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp mà trước đó đã có một số vụ đâm chém, đánh đập, truy sát nhà báo diễn ra ở miền Tây và miền Trung khiến cơ quan chức năng phải khởi tố. Tuy nhiên, theo một cán bộ Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, chưa có bất cứ vụ hành hung nhà báo nào được khởi tố theo tội danh chống người thi hành công vụ dù rằng hội và các cơ quan báo chí đã đề nghị nhiều lần.

Ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nói hiện nay các cơ quan chức năng và dư luận vẫn chưa coi việc nhà báo đi tác nghiệp là “thi hành công vụ”. Vì thế các vụ hành hung nói trên chủ yếu được xử lý theo Điều 104 BLHS, tội “cố ý gây thương tích”, với yếu tố bắt buộc là (nhà báo) phải tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên. Trong khi nếu thừa nhận nhà báo đang tác nghiệp là “thi hành công vụ” thì theo Điều 257 BLHS, chỉ cần đối tượng dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực (cản trở nhà báo) là có thể bị khởi tố.

Nhiều nhà báo cho rằng không thừa nhận điều này là thái độ đối xử bất công với báo chí, bởi ngay văn bản mới nhất là nghị quyết phiên họp tháng 12-2009 của Chính phủ vừa được Thủ tướng ký ghi rõ tác nghiệp của các nhà báo là “vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân và phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan”. Ngay Điều 1 Luật Báo chí cũng khẳng định báo chí “là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội…" và thực tế nhiều hoạt động của báo chí là phục vụ nhà nước.

Phải coi đó là “công vụ” mới thỏa đáng!

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm