PGS-TS Nguyễn Đăng Dung: Người dân phải được quyền biết

Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2010. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với thành viên ban soạn thảo, PGS-TS Nguyễn Đăng Dung (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân quyền (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

“Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền được thông tin. Quy định như vậy thôi nhưng làm thế nào để thực hiện quyền đó thì người dân... không biết” - ông Dung mở đầu cuộc trò chuyện.

Không thể cái gì cũng “mật”

. Vì sao ông lại có nhận xét như vậy?

PGS-TS Nguyễn Đăng Dung: Người dân phải được quyền biết ảnh 1+ Xưa nay, những thông tin mật hầu như choán hết mọi hoạt động của nhà nước Việt Nam. Suốt một thời kỳ dài, mọi quyết định đều được đưa ra trong tình trạng chiến tranh - tình trạng “mật”. Bây giờ chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng thực tế trên cũng chưa được cải thiện nhiều.

Cũng xin nói thêm rằng bản thân người dân chúng ta ở trình độ khác với các nước trên thế giới, phần đông trong số họ rất thờ ơ, ít quan tâm đến quyền lợi của chính mình. Mặc dù có thể nhà nước công bố đấy nhưng họ không quan tâm đâu. Chỉ đến khi nó động sát sườn đến quyền lợi của họ thì họ mới “giãy nảy” lên. Do vậy, phải có nhiều cách để người dân tiếp cận đến các quyết định của nhà nước...

. Ông nói rằng hiện nay tình trạng “mật” trong hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn chưa được cải thiện nhiều, chẳng hạn như...?

+ Tôi ví dụ, những thông tin về quy hoạch cũng đóng dấu “mật” là không được. Quy hoạch đất đai của chúng ta không công khai, minh bạch nên nhiều đối tượng trục lợi từ việc này. Thông tin là tài sản, một tài sản quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cùng mảnh đất đó thôi, anh biết được tin mảnh đất đó sau này sẽ ra mặt đường hay lên “phố”... thì anh có thể mua trước với giá rất rẻ. Đến khi đất đó trở thành “phố”, anh bán với giá đắt gấp hàng trăm lần. Lợi nhuận ấy rơi vào túi cá nhân, nhà nước cũng không thu được gì.

Một trong những điểm khó nhất khi xây dựng dự luật này chính là việc xác định ranh giới giữa cái “mật” và “không mật”. Vì đây là đạo luật gốc, nên chăng cũng cần quy định rõ trong đó cái gì là mật. Đấy là quan điểm của tôi nhưng có vẻ không được nhiều người ủng hộ. Phần lớn các ý kiến cho rằng những văn bản mật sẽ được quy định tại một văn bản khác...

Bảo đảm tính minh bạch

. Theo ông, đâu là mục tiêu quan trọng nhất của luật này?

+ Những người chấp bút đề ra mục đích của luật này là bảo đảm cho mọi người dân được biết và tham gia vào công việc quốc gia, bảo đảm tính minh mạch trong hoạt động nhà nước cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính bằng cách cung cấp thông tin và những vấn đề cần thiết thuộc sở hữu và quản lý của các cơ quan chính quyền.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đặt mục đích như vậy chưa thật “trúng”. Chúng tôi muốn xoay lại mục đích khi xây dựng luật này là phải bảo vệ người dân. Các cơ quan nhà nước được quyền thay mặt cho người dân nhưng khi họ quyết định những vấn đề liên quan đến quyền của từng người dân, của toàn thể cộng đồng thì người dân lại không hay biết. Chúng tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước phải cung cấp thông tin để người dân có khả năng bảo vệ quyền của họ. Người dân phải được quyền biết, thậm chí phản biện lại.

. Một vấn đề gây tranh luận là những đối tượng nào có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin. Quan điểm của ông thế nào?

+ Về nguyên tắc, phạm vi điều chỉnh của luật này phải bao trùm lên mọi cơ quan nhà nước, gồm cả Quốc hội, Chính phủ, tòa án, thậm chí kể cả Đảng lãnh đạo, tại sao không? Nhưng ở đây, chúng tôi tập trung vào hoạt động công khai thông tin của cơ quan hành chính. Hành chính cho đến nay vẫn hoạt động theo chế độ thủ trưởng, các quyết định không theo thủ tục “tố tụng”, có “bên buộc, bên gỡ” như kiểu hoạt động của tòa án. Vì thế mà hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước phải chú trọng hơn cả.

Thông tin quy hoạch là một trong những thông tin mà người dân được quyền biết. Ảnh: HTD
Thông tin quy hoạch là một trong những thông tin mà người dân được quyền biết. Ảnh: HTD

Cung cấp sai có thể phải ra tòa

. Theo ông, luật này cần quy định như thế nào để quyền tiếp cận thông tin của người dân được thực thi trên thực tế?

+ Khi người dân có quyền thì đồng nghĩa với trách nhiệm của cơ quan nhà nước và công chức. Cơ chế quan trọng bậc nhất ở đây là phải quy định được trách nhiệm của công chức trong việc cung cấp thông tin. Nếu anh không cung cấp, cung cấp thông tin sai hoặc không đúng hạn thì anh phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, thậm chí có thể phải đến tòa để quyết định ai sai, ai đúng. Khi anh công chức không thực hiện trách nhiệm của mình thì phải có chế tài như từ chức, bãi nhiệm, bãi miễn... hoặc thậm chí có thể phải lãnh án

. Thời hạn cung cấp thông tin là vấn đề rất quan trọng, vì thông tin chỉ có ý nghĩa khi được cung cấp đúng lúc. Ở nhiều nước, người dân được cung cấp chỉ trong vòng một đến hai ngày. Trong khi ở ta, dự kiến quy định thời hạn tối đa là 30 ngày. Ông có bình luận gì về điều này?

+ Về nguyên tắc, khi người dân cần thông tin thì cơ quan nhà nước, công chức phải cung cấp tức thì vì tin tức đến chậm cũng không có ý nghĩa. Tuy vậy, đưa ra thời gian như dự thảo cũng có lý do. Đó là lo ngại trình độ cán bộ, công nghệ... chưa đáp ứng được yêu cầu. Kéo dài như vậy để cho cơ quan nhà nước dễ thực hiện hơn chứ không có ý kéo dài để miễn trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

. Xin cám ơn ông.

Pháp lệnh về công khai thông tin của chính quyền Trung Quốc (có hiệu lực từ 1-5-2008) quy định các cơ quan nhà nước phải công bố các thông tin chính quyền liên quan đến lợi ích cốt yếu của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác; các yêu cầu mở rộng kiến thức hoặc sự tham gia của công chúng; việc thành lập, nghĩa vụ hoặc thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước...

Cụ thể, thông tin ưu tiên công bố của chính quyền ở cấp huyện hoặc cao hơn gồm: Việc phê duyệt các dự án xây dựng lớn và bối cảnh thực hiện; các chính sách và biện pháp liên quan đến việc xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, trợ cấp xã hội và việc làm; thanh tra và giám sát việc bảo vệ môi trường, sức khỏe công cộng, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, dược phẩm và chất lượng hàng hóa...

Thông tin ưu tiên công bố của chính quyền nhân dân cấp tỉnh, thành phố gồm: Thông tin liên quan đến các dự án lớn về xây dựng, quản lý đô thị và nông thôn; việc trưng dụng, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và việc đền bù, phân phối tiền trợ cấp; quản lý, sử dụng và bối cảnh cần phân phát cứu trợ khẩn cấp, công tác cứu trợ thảm họa, trợ cấp xã hội và những đóng góp thiện nguyện và các quỹ khác...

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm