Ông Thanh, cô Lan, cô Dương

Còn cô Lan, cô Dương là hai cán bộ vừa được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở tỉnh Quảng Ninh qua kỳ thi tuyển do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chấm thi vào các ngày 12, 13-1-2013. Cụ thể cô Phạm Hồng Lan (nguyên Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) đạt 80,6 điểm trong phần thi “Nâng cao hiệu quả truyền thông và báo chí xuất bản”, trúng tuyển phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Cô Phạm Thùy Dương (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Công viên Vạn Cảnh - Ban Quản lý vịnh Hạ Long) qua cuộc thi với nội dung “Bảo tồn phát huy khai thác quản lý vịnh Hạ Long” đạt 82 điểm đã được bổ nhiệm trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ngày 16-1-2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ cho hai cô.

Ông Nguyễn Bá Thanh trở thành tâm điểm của dư luận khi được bổ vào một chức vụ “nóng” là do mọi người kỳ vọng nhiều ở ông sau những gì ông đã nói được và làm được tại Đà Nẵng trên cả hai cương vị chủ tịch và bí thư thành phố. Người dân kỳ vọng ông Thanh ra Hà Nội sẽ làm được những điều như ông đã làm ở Đà Nẵng nhưng trên quy mô cả nước. Nhưng có một điều ít được nói đến trong những bài viết về ông mới rồi là tại sao các “quan đầu tỉnh” khác không làm được như ông Thanh ở địa phương của mình. Họ cũng có quyền hạn như ông Thanh, cũng phải đối diện với những vấn đề thách thức của địa phương mình nhưng họ đã không biết hay không dám sử dụng quyền lực được trao để đem lại sự thay đổi mạnh mẽ cho nơi mình phụ trách. Nếu như hơn sáu chục tỉnh, thành trong cả nước các “quan đầu tỉnh” đều dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển và tăng trưởng của địa phương mình thì tôi tin không chỉ có một Đà Nẵng và một Nguyễn Bá Thanh. Kỳ vọng của dư luận ở ông Thanh là vì người ta thấy chỉ ông đáng kỳ vọng trong thời điểm hiện nay, dù biết ông vẫn có những khuyết điểm, những mặt hạn chế nhưng thực tế cho thấy ông đã nói được và làm được cho sự khang trang, tốt đẹp của Đà Nẵng hôm nay. Không có Nguyễn Bá Thanh thì không có Đà Nẵng như hiện tại, nói thế không phải là nói quá. Vai trò của cá nhân ở cương vị lãnh đạo ở đây là quyết định khi anh biết sử dụng quyền lực được phép của mình.

Tỉnh ủy Quảng Ninh đã biết sử dụng quyền được phép ấy để tổ chức cuộc thi tuyển chức vụ lãnh đạo cấp sở, phòng đầu tiên trong cả nước. Thi tuyển công khai, chấm điểm công khai và bổ nhiệm nhanh chóng. Nếu theo trình tự phân ngạch quy trình lãnh đạo thì cô Lan, cô Dương còn phải chờ đợi lâu, nay đổi mới theo hướng lựa chọn người có năng lực, kinh nghiệm, không cứ theo tuổi tác, không phải cứ “sống lâu lên lão làng”, hai cô đã chứng tỏ được mình qua bài thi tuyển và đã được đưa lên vị trí lãnh đạo chính thức của phòng, của sở. Đó là một bước đi mạnh bạo và đúng thời của ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mở ra một cách thức tuyển chọn cán bộ đàng hoàng, tạo niềm tin và hy vọng cho nhiều người có năng lực, thực tài, nhất là những người trẻ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hiện tượng Nguyễn Bá Thanh và hiện tượng cô Lan, cô Dương khiến dư luận quan tâm với thiên hướng đồng tình, ủng hộ, cho thấy nhu cầu đổi mới trong sự quản lý đất nước là cấp thiết. Một thời gian dài chúng ta đã trì trệ trong tư duy quản lý, nói nhiều mà làm ít, hoặc không làm, hoặc làm không như nói, gây ra hiện trạng đất nước có nhiều bức xúc. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần phải có nhiều Nguyễn Bá Thanh hơn, nhiều cách làm như Quảng Ninh hơn. Có đi mới thành đường, có làm mới biết cách làm.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm