Nội thủy và lãnh hải

>>> Biển chia nhiều vùng với quy chế khác nhau

Nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển giáp nhau, đều thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Song nội thủy và lãnh hải có quy chế pháp lý khác nhau theo hướng là càng cách xa bờ thì quyền của nước có biển càng giảm bớt đi.

Vùng nước nội thủy về mặt pháp lý đã nhất thể hóa với lãnh thổ đất liền nên có chế độ pháp lý đất liền, nghĩa là đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài nào muốn vào ra nội thủy đều phải xin phép quốc gia ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó. Nước ven biển có quyền không cho phép.

Lãnh hải (territorial sea) là lãnh thổ quốc gia nằm dưới biển, là biển thuộc lãnh thổ quốc gia. Ranh giới phía ngoài của lãnh

hải được coi là đường biên giới quốc gia. Công ước về Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia ven biển không vượt quá 12 hải lý (tức 22,224 km) tính từ đường cơ sở. Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng nêu rõ: “Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở”.

So với nội thủy, chủ quyền của quốc gia ven biển đối với lãnh hải “yếu” hơn, nghĩa là quốc gia ven biển cũng có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ song không tuyệt đối như đối với nội thủy. Có nghĩa là ở đây quyền của quốc gia ven biển được thể hiện cũng như ở lãnh thổ của mình (về lập pháp, hành pháp, tư pháp), trên các lĩnh vực phòng thủ, cảnh sát, quan thuế, đánh cá, khai thác tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường, nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, các tàu thuyền nước ngoài có “quyền đi qua lại không gây hại” (right of innocent passage). Quyền này cho phép các nước khác có quyền đi qua vùng lãnh hải của quốc gia ven biển không phải xin phép trước với điều kiện họ không tiến hành bất cứ hoạt động gì gây ra thiệt hại cho quốc gia đó (như: đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia ven biển; luyện tập, diễn tập vũ khí; thu thập tin tức tình báo; tuyên truyền nhằm làm hại đến nước ven biển; xếp dỡ hàng hóa, đưa người lên xuống tàu trái quy định của nước ven biển; cố ý gây ô nhiễm môi trường; đánh bắt hải sản; nghiên cứu đo đạc; làm rối loạn hoạt động giao thông liên lạc; thực hiện mọi hoạt động khác không liên quan đến việc đi qua...).

Như vậy nội thủy giống lãnh hải ở chỗ đều là vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, song mức độ chủ quyền có hơi khác nhau. Giống như ta làm chủ một cái nhà, phần nội thất từ ngạch cửa trở vô là... đất liền và nội thủy; còn từ cửa trở ra sân vườn, trong vòng rào cổng là.. lãnh hải. Ngoại thất bao giờ cũng “thoáng” hơn nội thất nhưng chúng đều thuộc chủ quyền của chủ nhà.

. Vừa qua, nhiều thông tin cho biết phía Trung Quốc đã bắt giữ và đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam chạy tránh bão tại quần đảo Hoàng Sa. Nhiều lần họ còn giữ người để đòi nộp phạt. Làm vậy có đúng Luật Biển quốc tế không? Cụ thể vi phạm điều luật nào?

Phạm Thế Hùng (127 Đề Thám, quận 1, TP.HCM)

+ Vấn đề là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước nào. Thực tế đã xác định đó là hải đảo của Việt Nam, thuộc lãnh thổ Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm; lại còn bắt, đánh ngư dân Việt Nam, nhiều lần trước còn đòi nộp tiền phạt thì đó quả là việc làm thô bạo, vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế (Điều 2 và Điều 33 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Điều 279 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982...).

Về nguyên tắc, trong trường hợp ngư dân nước khác vào tránh bão ở đảo thuộc chủ quyền của mình, nước có chủ quyền đối với đảo đó cũng phải đối xử nhân đạo, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế.

LS.TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm