Nối dài chất vấn bằng các phiên điều trần

Chiều 26-11, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ hai QH khóa XIII, Văn phòng QH đã họp báo công bố kết quả toàn kỳ họp. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, toàn bộ kỳ họp đã được tiến hành với tinh thần dân chủ, minh bạch, tăng tính giải trình, như là một phần của xu thế chung toàn xã hội. Họp tổ được tiết giảm, nâng thời lượng họp toàn thể - hình thức công khai cao hơn - lên 76,4%. Trừ những báo cáo quan trọng, còn lại phần tóm tắt đọc trước QH chỉ còn 5-7 trang, mất 15-20 phút trình bày.

Những cải tiến và tranh cãi

Điều chỉnh đáng chú ý nhất, tác động trực tiếp tới cảm nhận của cử tri là trong 2,5 ngày chất vấn được truyền hình trực tiếp là thời gian cho mỗi câu hỏi chỉ còn 2 phút. Khác với các khóa QH trước, lần này đoàn chủ tịch điều hành gom 12, có lúc lên tới 23 câu hỏi, rồi mới để các bộ trưởng trả lời…

Tuy nhiên, cách điều hành này lại gây nhiều tranh cãi, với cả đại biểu (ĐB) QH và cử tri. Một số ý kiến cho rằng điều hành nghị trường của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng vẫn giữ phong cách của ông khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ như hay cắt ngang ĐB khi chưa hỏi xong, hoặc ĐB vừa hỏi xong thì ngăn luôn rằng “câu hỏi này không cần trả lời”. Ý kiến khác cho rằng điều hành theo hướng ưu tiên chất vấn ngắn, nhiều, dẫn tới loãng, trả lời không sâu, chỉ hỏi một chiều mà không đạt tới tầm trao đi đổi lại của chất vấn, truy đến cùng vấn đề…

Nối dài chất vấn bằng các phiên điều trần ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tại phiên bế mạc Ảnh: TTXVN

Đúng là có lúng túng

Trả lời các câu hỏi của PV về những băn khoăn này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tổ chức phiên chất vấn như vậy đã được các ĐBQH nhất trí, với mục đích tăng thêm cơ hội cho ĐB chất vấn. Tuy nhiên, 2/3 ĐB là lần đầu tham gia QH nên khi hỏi ngắn không khỏi lúng túng. Chủ tịch QH cũng là mới, nên khi “lái” câu hỏi của ĐB, câu trả lời của các bộ trưởng có khi đã gây phản ứng trở lại. Đến mức Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có lúc phải rút kinh nghiệm, xin lỗi ĐB nữ vì sợ hiểu lầm.

Cũng theo ông Phúc, việc gom nhiều câu hỏi cho một lần trả lời là nhằm tập trung vào từng cụm vấn đề, qua đó rèn luyện các bộ trưởng khả năng tổng hợp, trả lời trên nghị trường. Nhưng vì 4/5 vị bộ trưởng lần đầu bị chất vấn trước QH, nên “chưa quen lắm, kỳ sau chắc tốt hơn”.

Trả lời bổ sung các câu hỏi của PV, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chất vấn chỉ đặt ra trong mô hình Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH. Qua đó, ĐBQH đánh giá xem có thể tín nhiệm Chính phủ và từng bộ trưởng. Tại các nước có cơ chế đa đảng thì chất vấn cũng là phương tiện để đảng đối lập “chống” lại đảng cầm quyền. Do đó, chất vấn không phải để giải quyết vấn đề cụ thể, mà qua đó để từng ĐB có đánh giá về mặt chính trị với người bị chất vấn. “QH ta đang trong quá trình đổi mới, vì thế mỗi điều chỉnh trong hoạt động nghị trường cần có thời gian để đánh giá, quyết định. Quyền cuối cùng thuộc về ĐBQH” - ông Dũng nói.

Điều trần để “ba mặt một lời”

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, còn nhiều câu hỏi chất vấn mà trong 2,5 ngày họp QH chưa giải đáp trực tiếp. Những nội dung này sẽ được lựa chọn để đưa vào hoạt động có tính chất điều trần tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và Thường vụ QH. Đây sẽ là cải tiến lớn của QH khóa này.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng nói thêm, dù các luật, quy chế hoạt động của QH không có từ “điều trần”, song thực tế nhiệm kỳ trước, các ủy ban của QH đã có hoạt động mang tính điều trần. Tới đây, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh. Chẳng hạn liên quan đến chương trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tới đây Ủy ban Kinh tế của QH có thể yêu cầu bộ trưởng ngành và cả chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp liên quan đến giải trình “ba mặt một lời”. Các chuyên gia kinh tế độc lập và kể cả PV cũng có thể được mời tham gia để tăng cường tính minh bạch.

Như một bước cải tiến, 28-11 tới, Chủ tịch QH sẽ lần đầu tiên giao ban trực tuyến với đoàn ĐBQH ở 63 tỉnh, thành về đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của QH. Tiến tới trong các phiên điều trần của Thường vụ QH với chủ đề quan trọng, có thể truyền hình trực tiếp.

Tiếp tục xác minh tư cách đại biểu bà Đặng Thị Hoàng Yến

Về những tố cáo liên quan ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến (Long An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo), Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Thường vụ QH đã giao Ban Công tác đại biểu gửi văn bản yêu cầu Bộ Công an xác minh. Ngày 21-11, Thường vụ QH đã nghe Bộ Công an báo cáo, theo đó trong vụ án làm lộ bí mật đấu thầu năm 1998, bà Yến không bị khởi tố bị can như tố cáo và báo chí nêu và cũng không có chứng cứ rằng bà Yến xuất cảnh trái phép, dù thực tế để phục vụ điều tra, bà có bị cấm xuất cảnh đến năm 2000. Về tố cáo bà Yến tham gia đường dây chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài, Bộ Công an cho biết chưa có tài liệu chứng minh.

Trong các nội dung tố cáo, bà Yến còn bị nghi vấn đánh tháo tài sản cho chồng, ông Jimmy Trần (quốc tịch Mỹ), thông qua bản án ly hôn có dấu hiệu trái pháp luật của TAND tỉnh Long An. Ông Trần là bị can bị Bộ Công an truy nã trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản năm 2010. Nhưng chỉ vài ngày trước khi chồng bị khởi tố, bà Yến đã được TAND tỉnh Long An ra quyết định thuận tình ly hôn, chia tài sản mà hầu hết tuyên là của bà Yến… Việc này, ông Phúc cho biết đã xác định thẩm phán thụ lý vụ án có sai phạm nên TAND tỉnh Long An đã kỷ luật đảng và chính quyền. Vụ án hiện đang được TAND Tối cao xem xét lại, Bộ Công an cùng một số cơ quan chức năng cũng tiếp tục xác minh, sẽ báo cáo Thường vụ QH trước 31-12-2011.

Kết quả xác minh này đã được gửi tới các ĐBQH và sẽ được công bố trong các buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm