35 NĂM BƯỚC CHÂN XUNG KÍCH - BÀI 4:

Nơi ấy , có những người dám đến…

Chúng tôi đến Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 (Trường 1) vào đầu tháng 3, Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Người của trường giới thiệu Ban giám đốc trường, anh ta chỉ vào hai cô gái xinh tươi, rắn rỏi, tuổi chừng trên dưới 30.

Những giằng co

Đó là hai phó giám đốc của trường - nơi có gần 1.000 học viên và trên trăm cán bộ. Một cô là dân Bến Tre, có cha từng là TNXP, hơn 10 năm trước theo gia đình đi kinh tế mới lên đây, tiện thể xin vào trường, vừa làm vừa học đại học từ xa, giờ đã có bằng cử nhân.

Cô phó giám đốc còn lại là Huỳnh Thị Thanh người Phú Yên, tốt nghiệp Đại học Luật năm 2003, đã xong khóa đào tạo luật sư, mọi chuyện nói chung thuận lợi. Nhưng cuộc đời đôi lúc gặp điều ngẫu nhiên khiến con người ta giật mình tự vấn về sự lựa chọn.

Thật ra giấc mơ làm luật sư là ước muốn của chính Thanh suốt nhiều năm ròng. Ngày cầm trên tay chứng chỉ hành nghề luật sư, Thanh vẫn còn nguyên ý định cũ. “Cho đến khi tôi đọc mẩu tin trên báo kêu gọi trí thức trẻ tình nguyện lên Đăk Nông làm ở trường cai nghiện, mọi sự bắt đầu thay đổi. Tối về, mấy chữ trí thức trẻ, tình nguyện cứ nhảy múa trong đầu tôi. Lần đầu tiên tôi suy nghĩ nghiêm túc lời hát Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta… Tôi nói nghiêm túc vì trước giờ nghe qua nhưng chưa bao giờ tôi để tâm nghĩ đến. Nó có vẻ to tát, lý tưởng quá; nói chung nó hơi “sến” khi đặt trong… bối cảnh thị trường.

Nơi ấy , có những người dám đến… ảnh 1

Chị Bùi Thị Sáu, Phó Giám đốc Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 trong một đêm sinh hoạt ở trường. Ảnh: THÁI BÌNH

Bấy giờ, đứng trước một công việc, một lời kêu gọi cụ thể, tôi mới giật mình. Làm luật sư, cùng tìm ra sự thật của vụ án, bảo vệ công lý… Nếu làm tốt, vừa nuôi sống được mình, vừa giúp ích cho đời. Đây lại là ước mơ cháy bỏng của đời mình. Nhưng nếu ai cũng nghĩ cho riêng mình như thế thì lấy đâu ra người làm những công việc cai nghiện giữa rừng, vực dậy những con người lầm lỡ…”.

Những suy nghĩ giằng co trong cô. Rồi giải pháp trung dung được cô đặt ra để giải quyết sự mâu thuẫn trong suy nghĩ của mình: Tình nguyện lên rừng một năm rồi sau đó về quê thực hiện “dự án cuộc đời”. Cái chung - cái riêng coi như tạm hài hòa. Hôm sau, Thanh đến trụ sở lực lượng TNXP ghi tên rồi sẵn hành trang chuẩn bị về quê, cô quẩy ba lô lên rừng.

“Lên đến nơi tôi mới té ngữa khi thấy có nhiều người cũng mới ra trường như mình tình nguyện cùng lên đây công tác. Bất ngờ lớn nhất là thấy cha Thành (Nguyễn Trung Thành, hiện là phó phòng tổ chức của trường), cùng lớp Luật Hành chính K23 với tôi, cũng lù lù ở đó. Lúc này là cao điểm thực hiện chương trình ba giảm của TP, học viên cai nghiện có lúc hơn 5.000 người. Điều tôi khoái nhất là môi trường làm việc ở đây ai cũng thẳng thắn và trách nhiệm. Không có cảnh sáng cắp ô đi, tối cắp về, gói gọn trong tám giờ vàng ngọc. Ai cũng làm suốt, làm hết việc mới nghỉ. Họp hành nói năng dân chủ, tranh luận cãi nhau như mổ bò, xong rồi thì thôi, chả thấy ai giận hờn, thù dai, để bụng…”.

“Nhưng người tính không bằng trời tính anh ui!” - Thanh chen câu nói vui bằng chất giọng Phú Yên đặc sệt - “Chính cái môi trường yêu thương gắn bó này cộng với công việc bộn bề cuốn hút làm thời gian trôi qua cái vèo. Chừng nhớ lại cái “toan tính” ban đầu thì đã muộn”. “Sao muộn?”. “Chớ có bỏ về được đâu mà! Anh em tình cảm, gắn bó thế này mình bỏ về sao đành!”. “Vậy là ở lại đến giờ?”. “Được gần tám năm rồi. Những anh chị cùng “lứa” hồi đó giờ vẫn còn ở lại hết…”.

Gắn bó từ gian khó

Chuyện của Thanh khiến tôi nhớ đến câu chuyện tương tự ở Trường 2 (đóng tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) mà tôi vừa nghe trước đó. Gần 20 năm trước có ba cô gái trẻ vừa tốt nghiệp Trung học Kỹ thuật và Dạy nghề Bảo Lộc đã khăn gói đến trường này nhận việc. Trước đó, đích thân anh Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc trường (hiện là Bí thư Đảng ủy lực lượng TNXP TP), đến tận lớp vận động khi các chị còn chưa tốt nghiệp.

Nơi ấy , có những người dám đến… ảnh 2

Bác sĩ trẻ Đồng Thanh Kịch đang khám bệnh cho một học viên Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 2. Ảnh: THÁI BÌNH

“Đến ngã ba Liên Khương, chúng tôi được các anh ở trường ra rước vào bằng xe Minsk vì lúc này đường vào chưa tráng nhựa, gió bụi mưa lầy, ổ voi ổ gà dày đặc. Đi được nửa đường chúng tôi đã muốn quay ra. Xung quanh toàn rú với rừng, thỉnh thoảng mới thấy vài căn nhà nằm ven rẫy dâu, nương sắn. Đến nơi, trong cái vắng lặng của rừng, đón chúng tôi là những học viên cai nghiện, chị em mại dâm và những người trốn nghĩa vụ. Những đàn ông đầu trần, mình mẩy cũng trần trùng trục, vừa thấy chúng tôi đã hú hé nói cười. Không ổn rồi. Ráng ngủ một đêm, sáng mai tính tiếp.

Sáng ra, ba chị em bước lên văn phòng (là cái nhà gỗ) nhất mực đòi về, có… cho tiền, vàng cũng không ở lại. Mấy anh lúc này xuống giọng, năn nỉ thôi các em ráng ở lại trường một tháng rồi… tính tiếp. Năn nỉ không xong, họ quay ra dọa, rằng các em có muốn về cũng… chưa chắc được. Xe ôm không có, đường đi lúc vào rẽ ngang rẽ dọc búa xua, giờ chẳng ai chỉ đường làm sao biết lối. Nước mắt lưng tròng, ba chị em cắn răng ở lại, chờ dịp xe thồ vào thì lại xin ra.

Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày kế tiếp cũng chẳng thấy xe thồ. Mà mấy anh ở trường thì cưng chiều như trứng mỏng. Có cái gì cũng để dành, hễ thấy buồn là đến gần an ủi. Nhưng kiên quyết không… chỉ đường. Mười ngày. Nửa tháng. Rồi tháng, rồi năm. Đến bây giờ một chị (làm thủ quỹ) vừa xin nghỉ năm 2010, một chị vừa chuyển về văn phòng lực lượng TNXP TP. Còn tôi vẫn trụ lại đây, từ năm 1993 đến giờ”.

Chị là Bùi Thị Sáu, sinh năm 1970, hiện là phó giám đốc trường. Chị Sáu nói sau này mấy anh kể lại, thời gian sau đó, mỗi lần ba chị em về phép là mỗi lần ở trường các anh cứ lo canh cánh. Họ sợ các chị bỏ trường. Sợ niềm tin của mình hụt hẫng…

Giữ mãi ngọn lửa xung kích

Bây giờ, đến lượt chị Sáu mỗi lần có bạn trẻ nào tình nguyện lên trường, những ngày đầu tiên của họ là những ngày chị lại lo nỗi lo xưa cũ. Bây giờ, tuy điều kiện ở trường đã cải thiện, đường sá, điện đài, di động, tivi, Internet 3G… nhưng sống giữa rừng sao bằng thị thành công việc lương cao, nhịp đời sôi động. “Nói vậy thôi chứ nhiều bạn gắn bó ở đây lắm lắm. Như Trọng, như Thành (Phó Giám đốc và Giám đốc trường), như An, như Vinh, như Dũng… họ vẫn còn rất trẻ” - chị Sáu kể đầy vẻ tự hào.

Những ngày đến thăm các trường của TNXP, đến đâu tôi cũng gặp những người trẻ tuổi. Lãnh đạo các trường đa phần đều trẻ, đội viên dưới quyền cũng trẻ. Họ “từ quan đến lính” đều “ăn cơm Nhà nước, ở nhà công”, sinh hoạt chi tiêu hết sức tiện tặn, dè sẻn. Họ vẫn giữ được chất TNXP của thế hệ đàn anh gian khổ một thời.

Đồng Thanh Kịch, tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên, thay vì về chốn thị thành vừa dễ kiếm tiền vừa tiện trau dồi nghề nghiệp, đã tự nguyện đến Trường 3 ở Phú Giáo (Bình Dương) để khám chữa bệnh cho học viên cai nghiện. Mã Thị Lành, cũng dân Y Tây Nguyên, giờ là phó phòng, trợ tá cho Kịch, luôn khoác áo blouse trắng bên ngoài bộ đồ TNXP mộc mạc. Trương Nam Quang, tốt nghiệp ngữ văn; Hoàng Sinh, cử nhân kinh tế - cùng là phó giám đốc Trường 3 và nhiều nhiều những bạn trẻ khác dám xung phong nơi gian khó.

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm