Nhớ ngày bầu cử đầu tiên

Một ngày trước đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người xác định: “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc” - Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, trang 251-252.

Như vậy ngay từ Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã xác định bổn phận và trách nhiệm của các đại biểu của dân là phụng sự Tổ quốc và đồng bào. Hai tiếng “đồng bào” chỉ riêng có ở Việt Nam phát xuất từ truyền thuyết bọc trăm trứng nghe thiêng liêng và ấm áp. Tôi nhớ là trong tất cả bản viết của mình Hồ Chí Minh mỗi khi nói với nhân dân trong nước luôn dùng chữ đồng bào. Không hiểu vì sao về sau này hai tiếng đó bị mất dần, đây không chỉ là về mặt từ ngữ, mà còn là về mặt tư duy, tư tưởng của Hồ Chí Minh. “Đồng bào” của người lập nên chính thể dân chủ cộng hòa trên đất nước Việt Nam là con Rồng cháu Tiên, là “người trong một nước phải thương nhau cùng”, là tất cả những ai có lòng phấn đấu cho một nước Việt Nam giàu mạnh sánh vai cùng các nước trên hoàn cầu.

Cho nên khi được Quốc hội khóa I do cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra tin tưởng giao trách nhiệm thành lập chính phủ đầu tiên, Hồ Chí Minh đã lập ra một chính phủ liên hiệp gồm các đảng phái khác nhau. Bởi mục đích của Người là đồng bào, Tổ quốc. Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam”. Và khi ra mắt Chính phủ kháng chiến được Quốc hội thông qua, Hồ Chí Minh đã viết và đọc một lời tuyên thệ nhậm chức trang trọng và thiêng liêng: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Tối cao cố vấn đoàn và Ủy viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Lời tuyên thệ nhậm chức này còn nguyên giá trị đến ngày nay và lâu dài, và tôi nghĩ, mỗi kỳ Quốc hội mới bầu Chính phủ mới, người đứng đầu Chính phủ nên có một lời tuyên thệ ngắn gọn rõ ràng như vậy, thay vì một diễn văn dài dòng, chung chung.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Quốc hội đầu tiên đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên vào ngày 9-11-1946 cho đến nay vẫn được coi là bản văn bản pháp luật gốc hiện đại nhất của nước Việt Nam mới. Ba nguyên tắc căn bản xây dựng Hiến pháp 1946 là: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Điều 10 của Hiến pháp 1946 quy định công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Điều 21 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo điều thứ 32 và 70”.

Nhớ ngày bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu ra Quốc hội khóa I, trong những ngày đầu năm 2013 toàn dân đang bắt đầu thảo luận góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tôi chỉ mong Điều 21 này được ghi lại trong Hiến pháp mới và khi đã được thông qua thì sẽ được luật hóa để đồng bào cả nước có dịp thực thi.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm