Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở tố tụng tại tòa án

Nhiều nội dung hạn chế quyền công dân

Sáng 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở tố tụng tại tòa án (gọi tắt là dự thảo PL).

Không sửa cũng không giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết dự thảo PL từng được TAND Tối cao trình UBTP của Quốc hội thẩm tra từ tháng 8-2013 và góp ý, đề nghị chỉnh lý một số nội dung. Sau đó, TAND Tối cao có công văn đề nghị UBTVQH lùi thời gian xem xét, cho ý kiến để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của UBTP và chuẩn bị kỹ hơn, nhằm bảo đảm chất lượng dự thảo PL khi trình UBTVQH.

Đến tháng 2-2014, TAND Tối cao đã chuyển hồ sơ dự án PL (lần 2) để UBTP thẩm tra lại trước khi trình UBTVQH. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể của UBTP thẩm tra hồ sơ dự án PL (lần 2) vào ngày 8-3 vừa qua, UBTP nhận thấy dự thảo PL trình UBTVQH lần này vẫn là dự thảo cũ, không có nội dung nào được chỉnh sửa và TAND Tối cao cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo PL đã trình lần 1.

Theo ông Hiện, dự thảo PL còn một số vấn đề lớn chưa được làm rõ, một số quy định chưa đảm bảo tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều điều khoản còn trùng lắp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn trình bày tờ trình về PL Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Ảnh: TTXVN

Mất thời gian, không thể cho ý kiến

“Đề nghị UBTVQH xem xét, giao cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự án PL để bảo đảm chất lượng, đúng mục đích, yêu cầu nội dung phạm vi điều chỉnh theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật” - Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện đã đề nghị vậy.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tán thành những ý kiến góp ý của UBTP kèm theo nhận xét: “Dự thảo còn quá nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, PL ban hành quá chậm, cần xem xét trách nhiệm”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì thất vọng: “Đến giờ đưa ra vẫn thế thì cho ý kiến như thế nào, tốn thời gian!”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình: “Bây giờ góp ý PL thế này thì mất lòng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc nhở: “Hôm họp 8-3, UBTP đã nêu nhiều vấn đề trái luật và đề nghị chánh án TAND Tối cao chỉnh sửa. TAND Tối cao đã xin rút để chỉnh lý lại nhưng hôm nay trình ra vẫn không có gì thay đổi. Hiện nhận thức của TAND Tối cao với UBTVQH khác nhau về nội dung xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại tòa. PL trình lần này chất lượng rất thấp không thể cho ý kiến được, nhất là tờ trình vẫn không có gì thay đổi mặc dù trước đây đã có ý kiến phải sửa lại. Đề nghị anh Sơn (Phó Chánh án TAND Tối cao - PV) báo với Ban Cán sự làm lại”.

Chưa hợp hiến, thống nhất pháp luật

“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Viện dẫn quy định này của Hiến pháp năm 2013, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện nhận xét dự thảo PL có một số quy định cần phải xét lại do đã hạn chế quyền cơ bản của công dân. Chẳng hạn, quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt…

Nhiều quy định của dự thảo PL không phù hợp, trái các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại. Cụ thể, theo Điều 26 dự thảo PL thì chánh án TAND Tối cao có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chánh án TAND Tối cao không được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, chánh án Tòa án Quân sự khu vực, chánh án Tòa án Quân khu và tương đương được giao thẩm quyền xử phạt trong Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì lại chưa được ghi nhận trong dự thảo PL.

Điều đáng nói là dự thảo PL (khoản 3 Điều 41) đưa ra quy định “người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người” là mở quá rộng quyền tạm giữ hành chính. Bởi lẽ Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 123) quy định chỉ có thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính…

BÌNH MINH

 

Sửa tên làm thay đổi bản chất

Theo Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện, Nghị quyết 23/2012/QH13 của Quốc hội giao UBTVQH ban hành PL Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Thế nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo (TAND Tối cao) đã sửa thành PL Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Việc sửa tên PL đã làm thay đổi bản chất hành vi bị xử lý, ngoài ra hình thức trách nhiệm, phạm vi điều chỉnh của PL và trình tự, thủ tục cũng như các chế tài xử lý không đúng với yêu cầu.

Với tên gọi PL trong Nghị quyết 23, Quốc hội đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc ban hành PL này là xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thế nhưng TAND Tối cao lại có quan điểm không xác định hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án là hành vi vi phạm hành chính và bị xử lý hành chính. Vì vậy, dự thảo PL được trình không xác định được chế tài xử lý là loại nào? Xử lý hành chính, dân sự, hình sự hay kỷ luật? Đây là một trong những nội dung rất cơ bản mà dự thảo PL chưa xác định đúng, làm ảnh hưởng đến việc xác lập quan hệ của PL này với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chồng lấn quyền phạt báo chí

Quy định về xử lý hành vi đưa tin sai sự thật về giải quyết vụ việc của tòa án (theo khoản 8 Điều 16 dự thảo PL) không phù hợp với các điều 9, 28 của Luật Báo chí. Chưa kể, Chính phủ cũng đã có Nghị định 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

(Trích Báo cáo thẩm tra của UBTP Quốc hội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm