Nhiệm kỳ QH đặc biệt: Cuộc động viên chính trị chưa từng có

LTS: Tháng 4-1976, gần một năm sau ngày thống nhất, nước ta đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội (QH) chung cả nước - QH khóa VI này đã quyết định những vấn đề hệ trọng như thể chế nhà nước, tên nước, quốc kỳ, quốc ca…

“Cuộc bầu cử đầu tiên trong lịch sử nước nhà nhân dân miền Nam đã đi bầu bằng những lá phiếu máu. Lúc ấy, dưới gót giày xâm lược của kẻ thù, đã có 114 người phục vụ bầu cử hy sinh để bảo vệ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước thành công tốt đẹp” - ông Phan Minh Tánh, nguyên Ủy viên chính thức Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khóa VI, nhắc lại cuộc tổng tuyển cử năm 1946. Năm đó ông Tánh vừa tròn 17 tuổi, đủ quyền công dân đi bầu QH.

Ngày hội lớn của non sông thống nhất

30 năm sau, ông Tánh có tên trong danh sách ứng cử viên đại biểu của khóa QH đặc biệt - QH nước Việt Nam thống nhất. “Đây cũng là lần thứ hai trong lịch sử nước nhà, cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trên phạm vi cả nước. Nhưng khác với lần trước, lần này những người đi bầu đã mang tâm thế công dân của quốc gia hoàn toàn hòa bình, độc lập. Vì vậy, ngày tổng tuyển cử thật sự là ngày hội lớn của toàn dân tộc” - ông Tánh bồi hồi.

Sau 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng trên thực tế nước ta tồn tại cùng lúc hai nhà nước với hai chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ở miền Bắc) và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vấn đề cấp bách trước mắt là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, trong đó có việc tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra QH chung cả nước.

Trung tuần tháng 11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị hai miền Nam-Bắc diễn ra tại Sài Gòn để bàn thảo công cuộc thống nhất nước nhà. Hội nghị nhất trí cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976, theo đúng nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Tháng 1-1976, UBTV QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào Chủ nhật 25-4-1976. Hội đồng bầu cử toàn quốc được thành lập, do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch và đồng chí Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch.

Nhiệm kỳ QH đặc biệt: Cuộc động viên chính trị chưa từng có ảnh 1

Cổ động bầu cử QH thống nhất ở tỉnh Hoàng Liên Sơn. (Ảnh tư liệu)

Theo ông Phan Minh Tánh, từ tháng 2-1976, báo chí, phát thanh, truyền hình trên cả nước liên tiếp đưa tin về cuộc bầu cử lịch sử. Việc nghiên cứu các văn kiện của Đảng và Nhà nước về bầu cử được tổ chức sâu rộng trong Đảng và dân chúng. Nhiều lớp tập huấn về công tác bầu cử được tổ chức khắp nơi từ nông thôn đến thành thị; ở miền Nam, các nhân sĩ trí thức thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo để nghiên cứu, trao đổi xung quanh chủ đề này.

“Càng đến gần ngày bầu cử, công việc càng khẩn trương, sôi nổi hơn. Nào là điều tra dân số, lập danh sách cử tri, trao đổi về danh sách ứng cử viên. Nhiều đội tuyên truyền đến tận từng gia đình, xóm ấp để vận động, giải thích pháp luật về bầu cử… Sau này, báo cáo trước QH, đồng chí Trường Chinh đã nhận định đây là cuộc động viên chính trị sâu rộng chưa từng có ở miền Nam sau ngày giải phóng” - ông Tánh kể.

Chính quyền phát động một, dân hưởng ứng 10

Luật sư Triệu Quốc Mạnh, “vị cảnh sát trưởng 24 giờ” của chế độ cũ, được phân công làm trưởng ban tổ chức bầu cử khu vực 4 ở Sài Gòn. Ông Mạnh kể: Phần lớn anh em trong ban tổ chức do tôi phụ trách đều rất trẻ. Họ chưa một lần chứng kiến cuộc bầu cử dân chủ nào trong đời. Nhưng mà chỉ qua một thời gian tập huấn, anh em đã nắm bắt được công việc một cách vững vàng. Lực lượng công an tuy còn non trẻ nhưng từng bước được tổ chức quy củ, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, gìn giữ và đảm bảo công tác bầu cử được diễn ra an ninh, trật tự gần như tuyệt đối.

Trong ký ức của ông Mạnh: “Lúc ấy ta còn nghèo, làm gì có nhiều tiền để trang hoàng bích chương, biểu ngữ, cờ hoa cho hoành tráng. Ấy thế nhưng chính quyền phát động một, người dân hưởng ứng 10. Những chiếc xe lam ba bánh treo cờ hoa đi khắp hang cùng ngõ hẻm phát loa cổ động. Đoàn cổ động đi đến đâu, bà con già trẻ rần rần kéo theo đến đó. Thanh niên người thì tham gia múa lân, người đánh trống, giăng cờ, ca vang những bài cách mạng, xôn xao cả những vùng quê hẻo lánh nhất. Nhiều nhà còn bày cả mâm ngũ quả trên bàn thờ, không khí cứ như chuẩn bị đón mừng năm mới vậy”.

Ông Huỳnh Bá Phương (phường 11, quận 10, TP.HCM) nhớ lại: “Thanh niên, học sinh là lực lượng nòng cốt, tích cực nhất trong việc tuyên truyền, vận động. Họ vác loa tay từng tốp tỏa ra khắp nơi. Vui nhất là những đoàn tuyên truyền cổ động bằng xe máy, mang theo băng rôn diễu hành qua từng ngả phố. Ngày bầu cử, người dân nhiều nơi còn tổ chức nấu cơm phục vụ miễn phí cho tổ bầu cử”.

Còn ông Dương Hiền Cửu, nguyên đại biểu QH khóa VI, thì mô tả: “Sát ngày bầu cử, hầu như ngày nào cũng có xe hoa đi cổ động. Khoảng 5 giờ sáng là loa phát thanh đã phát đi những tin tức về bầu cử rồi. Nào là giới thiệu tiểu sử các ứng viên, nào là cách thức đi bầu, gạch tên, bỏ phiếu. Khí thế bây giờ có khi không bằng lúc đó”.

“Sáng đó, bà con dậy sớm hơn thường lệ, quần áo chỉnh tề kéo đến những điểm bầu. Nơi nào có người già yếu không đi được ban tổ chức còn bưng thùng phiếu tới tận nhà để họ trực tiếp bỏ phiếu. Mới giải phóng, tâm trạng người này người kia còn có những băn khoăn, nỗi niềm nhưng họ đi bầu rất nhiệt tình. Lúc đó, tôi làm trong ban an ninh nội chính, chịu trách nhiệm kiểm tra, giữ gìn an ninh cho cuộc bầu cử. Cảm động nhất là chuyện nhiều học sinh, sinh viên tham gia lực lượng bảo vệ an ninh làm việc rất hăng say, nhiệt tình, dù họ không hề nhận được một đồng phụ cấp” - ông Cửu kể.

Đêm 22-4-1976, nhân dân Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể chào mừng cuộc tổng tuyển cử. Sáng sớm 23-4, hơn 1 triệu dân Sài Gòn rầm rộ xuống đường. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng tuần hành biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trước ngày tổng tuyển cử. Khắp nơi đâu đâu cũng cờ hoa, biểu ngữ, cổng chào, từ quê đến phố tưng bừng nhộn nhịp.

Ngày 25-4-1976 đã đi vào lịch sử như một ngày hội lớn của toàn dân tộc. Cái mốc lịch sử ấy như chiếc bản lề khép mở hai thời kỳ đất nước: thời cả dân tộc đổ bao xương máu để giành lấy hòa bình, thống nhất đất nước và thời xây dựng một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, phồn vinh, dân chủ.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử

Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng bầu cử Trường Chinh cho biết đến 1 giờ chiều 25-4-1976, về cơ bản việc bỏ phiếu bầu QH thống nhất đã xong. Tỉ lệ cử tri cả nước đi bầu là 98,77%, trong đó miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%.

Kết quả: Có 492 người được bầu vào QH thống nhất trong số 605 ứng cử viên. Trong đó có 80 đại biểu là công nhân (chiếm tỉ lệ 16,26%); 100 đại biểu nông dân (20,33%); 111 đại biểu trí thức, nhân sĩ dân chủ và tôn giáo (22,56%); 141 đại biểu là cán bộ chính trị (28,66%)… Đặc biệt, có 58 đại biểu tuổi từ 21 đến 30.

THÁI BÌNH - THÙY DUNG

Kỳ tới: Tại sao không tiếp tục lấy tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Việc chọn quốc kỳ, quốc ca và thủ đô… được bàn luận ra sao? Những đại biểu QH khóa VI góp thêm góc nhìn về sự lựa chọn lịch sử...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm