Nhân mùa Vu lan

Trong cuộc sống mà đời mỗi con người nếm trải có bao nhiêu giá trị được hồ hởi tiếp nhận rồi bị lạnh lùng vứt bỏ. Có những giá trị thời thượng cứ tưởng như ồn ào cuốn hút không dứt nhưng rồi chúng nhanh chóng bị lãng quên. Nếu chưa quên hẳn thì cũng chỉ còn là những vang bóng tình cờ được hững hờ nhắc lại. Rồi với thời gian và sự trải nghiệm trong những chặng đường đời, người ta ngày càng nhận chân được những giá trị mà nếu thiếu nó thì con người không thể sống nổi làm người. Trong những giá trị ấy, nhiều người xếp chữ hiếu lên hàng đầu vì đó là một giá trị vĩnh hằng.

Mỗi một người đều được một người mẹ sinh ra. Dù được sinh ra nơi nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía hay sinh ra dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo, dột nát thì tiếng khóc chào đời nào cũng gắn với một bầu sữa mẹ. Nghĩa tình sâu nặng của mẹ, mỗi con người đều lớn lên nhờ bầu sữa thiêng liêng ấy. Cái đó tạo nên giá trị vĩnh hằng vừa nói. Giá trị thiêng liêng ấy do tạo hóa ban tặng cho con người. “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đó là đạo lý ngàn đời không lay chuyển. Đạo lý ấy chính là thước đo nhân tính của mỗi con người.

Công cha nghĩa mẹ, ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi con người được nhận lĩnh để nên người chính là báu vật trời cho. Những ai chẳng may không được nhận lĩnh trọn vẹn hoặc tự đánh mất ân huệ ấy thì đó quả là bất hạnh lớn nhất của một đời người.

Hai chữ nên người rất dung dị, cứ tưởng như quá đơn giản song ngẫm sâu vào sẽ ngộ ra nhiều chiều kích rất sâu và rất rộng. Có cha sinh mẹ dưỡng thì mới nên người được và thật đáng suy nghĩ khi các cụ dạy “cha sinh không bằng mẹ dưỡng” nhaằm nhấn mạnh vai trò của người mẹ chứ không chỉ nói đến người cha theo quan điểm chỉ coi trọng cha, anh mà coi nhẹ vai trò người mẹ trong nội dung “gia đạo” - hệ lụy nặng nề của tư tưởng coi thường phụ nữ của Nho giáo. Đạo lý truyền thống của Việt Nam không những hết sức coi trọng người mẹ mà còn nhấn mạnh “phúc đức tại mẫu”.

Gia đình là một cộng đồng khác biệt hẳn với tất cả cộng đồng xã hội khác không chỉ ở tính huyết thống mà còn ở tính không chọn lựa. Không ai có thể chọn cửa mà sinh ra. Trong tình hình vật giá leo thang, đại bộ phận gia đình nghèo phải gồng mình lên mới lo nổi cho con ăn học. Lo cho con đủ ăn, đủ mặc đối với đông đảo người dân đã khó, chăm sóc đời sống tinh thần, những phẩm tính văn hóa cho con người càng khó hơn nhiều - “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy). Vậy mà không có cái phần “hồn” ấy thì phần “xác” còn có nghĩa lý gì?

Nhân mùa Vu lan, nhà trường và xã hội có những hình thức sinh động tôn vinh chữ hiếu cho con em chúng ta tưởng cũng nên là một nội dung quan trọng của việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng và đạo đức một cách thiết thực, nhất là khi mà đạo lý xã hội bị đồng tiền tác động đang có phần xuống cấp, gây nhiều lo lắng.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm