Nhà khoa học và chính quyền: Mệt mỏi với nhau

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện, còn thẳng thắn nói trong thời gian qua, sau mỗi lần động đất mạnh thì nhiều đoàn vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì và huyện còn phải dành thời gian để giải quyết việc của người dân địa phương.

Các đoàn mà ông Tuấn nêu chủ yếu là các nhà khoa học từ Viện Vật lý Địa cầu, Viện Cơ học, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam... nhưng cho đến nay, sau tám tháng phát hiện nứt đập thủy điện Sông Tranh 2, chưa có kết luận khoa học nào được đưa ra để chính quyền và người dân Bắc Trà My có thể yên tâm lựa chọn một phương án ứng phó nào đó. Trong khi đó, huyện vẫn phải trang trải các chi phí tiếp khách và đặc biệt là thời gian đưa đón các đoàn, gây ra những xáo trộn lớn trong lịch công tác của cán bộ địa phương. Việc họ tỏ ra mất kiên nhẫn là điều dễ hiểu.

Cuộc khủng hoảng Sông Tranh 2 đang làm bộc lộ một số yếu kém khó có thể bào chữa được của nền khoa học Việt Nam. Nhiều trận động đất kích thích xảy ra nhưng sau tám tháng trời đi đi về về, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một kết luận khoa học nào đủ sức thuyết phục cho đập thủy điện Sông Tranh 2, để rồi Thủ tướng phải chỉ đạo tiếp tục rà soát tình hình động đất và cũng chưa đưa ra được quyết định có tích nước vào hồ chứa hay không.

Ở mặt khác của vấn đề, trong quá trình hoạch định chính sách, chúng ta cũng thấy rằng số nhà khoa học thẳng thắn phản biện và phản biện có chất lượng đã ít, mà mức độ cầu thị và cởi mở của các cấp chính quyền có lẽ còn ít hơn. Trước các dự án quan trọng, có ảnh hưởng lớn về kinh tế-xã hội, chúng ta có các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo nguy cơ, rủi ro nhưng các quan chức có nghe hay không lại là chuyện khác.

Chúng ta đã từng có các nhà khoa học phê phán gay gắt hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Những phê phán đó đã không được lắng nghe và hậu quả là ngày nay chúng ta có những Vinashin, Vinalines và hàng loạt tập đoàn, công ty khác mang những núi nợ khổng lồ chưa biết phải trả bằng cách nào. Dự án bauxit Tây Nguyên cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ giới trí thức và các nhà khoa học, tuy nhiên chính quyền vẫn cho rằng dự án này chắc chắn mang lại hiệu quả kinh tế lớn và cho triển khai. Thế rồi cách đây gần hai tháng, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, chủ đầu tư dự án này... nói rằng chưa biết đến khi nào thì có lãi...

Một cái vòng luẩn quẩn đang xuất hiện giữa chính quyền với nhà khoa học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm