GÓP Ý DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TP.HCM LẦN IX

Nhà giáo phải sống được bằng lương

Ngày 23-8, toàn văn dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX đã được công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của TP. Báo Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài góp ý của TS Hồ Thiệu Hùng về vấn đề này.

Nhà giáo phải sống được bằng lương ảnh 1
GDP bình quân đầu người của TP.HCM được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị (BCCT) là 2.800 USD (khoảng 54 triệu đồng/người/năm). Giáo viên ở cấp THPT lĩnh lương và phụ cấp chỉ có 4,5 triệu đồng/người/tháng (bằng 54 triệu đồng/người/năm), nghĩa là chỉ ở mức bình quân của người dân TP; giáo viên mầm non chỉ trên dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng (30 triệu đồng/người/năm), dưới mức bình quân của người dân bình thường thì làm sao nói đến chất lượng.

Chỉ tiêu phải cụ thể

Trong dự thảo BCCT, nội dung về kinh tế có nhiều tiêu chí đánh giá, có số liệu so sánh rất cụ thể theo năm 2005 và 2010. Thế nhưng phần trình bày về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) lại quá chung chung, thiếu tiêu chí để đánh giá rõ nét thành tựu và hạn chế của ngành trong nhiệm kỳ qua. Cụ thể, ở phần đánh giá, chỉ có hai chỉ tiêu được nêu lên để kiểm điểm: Một là đạt phổ cập bậc trung học, hai là đạt được chỉ tiêu 55% tỉ lệ lao động qua đào tạo. Trong phương hướng của nhiệm kỳ mới thì chỉ còn nêu mỗi một chỉ tiêu là 70% lao động qua đào tạo mà thôi.

Phần viết về thành tựu của GD&ĐT thiếu tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá nên phải dùng rất nhiều cụm từ đánh giá định tính chung chung kiểu “có chuyển biến tích cực”, “góp phần nâng cao mặt bằng dân trí thành phố”, “chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên”, “bước đầu đạt kết quả tích cực”…

Nhà giáo phải sống được bằng lương ảnh 2

Nâng mức thu nhập cho giáo viên là động lực thúc đẩy chất lượng giáo dục mau chuyển biến. Ảnh minh họa: HTD

Phần hạn chế cũng trình bày hoàn toàn theo kiểu định tính, không có một chút định lượng nào. Ví dụ như phê phán “chất lượng GD&ĐT và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập” mà không xác định rõ yêu cầu đó về mặt định tính và định lượng ra sao. Cách viết này có thể được lặp lại trong BCCT nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ sau mà vẫn không giúp Đảng bộ nhận ra điều gì đã đạt được, làm tới đâu, điều gì chưa.

Thiết nghĩ cần chọn đưa một số trong các chỉ số sau đây vào BCCT để xây dựng chỉ tiêu như: 1. Mặt bằng dân trí trung bình trong dân cư từ sáu tuổi trở lên; 2. Tỉ lệ huy động người trong độ tuổi vào học mầm non năm tuổi, phổ thông, dạy nghề và đại học; 3. Tỉ lệ lao động kỹ thuật cao trong công nhân; 4. Mức đầu tư trên đầu học sinh có tốc độ tăng không kém tốc độ tăng trưởng GDP của TP; 5. Tỉ lệ trẻ năm tuổi và học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày; 6. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

Việc kiểm chứng các chỉ tiêu trên có đạt hay không vào cuối nhiệm kỳ sẽ do Cục Thống kê thực hiện bằng những cuộc khảo sát khách quan phối hợp với ngành chuyên môn và các quận, huyện.

Cần nâng cao đời sống nhà giáo

Một thực tế đau lòng chưa được nêu trong dự thảo BCCT là giáo viên chưa thể sống bằng lương. Thu nhập trung bình của một giáo viên THPT chỉ khoảng 54 triệu đồng/năm, của giáo viên mầm non khoảng 30 triệu đồng/năm, rõ ràng là không thể trang trải nổi cuộc sống hằng ngày.

Chừng nào còn số đông giáo viên chưa thể sống bằng lương và phụ cấp của ngành, giáo viên còn sống dưới mức trung bình của dân thường thì ngành giáo dục chưa thể phát triển vững chắc về chất lượng và vẫn chưa thể hạn chế hiện tượng tiêu cực. Rõ ràng đời sống giáo viên đã không hoặc chậm được cải thiện tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế TP và GD&ĐT chưa thành quốc sách. TP nên nhìn thẳng vào sự thật này để tìm cách khắc phục và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực GD&ĐT của toàn Đảng bộ TP các nhiệm kỳ tới.

Nâng được mức thu nhập của giáo viên lên không dưới mức thu nhập trung bình của dân cư là tạo được cú hích mạnh mẽ làm chuyển biến mạnh trong chất lượng giáo dục trên mọi cấp học, bậc học, khiến giáo viên thực sự gắn bó với ngành, khiến xã hội thực sự trọng thị nghề dạy học, khiến ngành sư phạm thu hút được nhiều người giỏi, có tài. Bên cạnh đó, cần có một chương trình mục tiêu giảm nghèo cho giáo chức song song với yêu cầu “đổi mới, phát triển, nâng cao toàn diện chất lượngGD&ĐT” đã được ghi trong BCCT. Nếu không thì yêu cầu trên chỉ là khẩu hiệu mà thôi.

Quan tâm nhắc đảng viên và công chức học tập

Từ “xã hội học tập” được nhắc đến một lần trong dự thảo BCCT. Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU nhằm thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập nhưng việc đưa chỉ thị trên vào cuộc sống còn yếu. Đề nghị BCCT nên yêu cầu đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác “mỗi ngày ít nhất phải học tập 1 tiếng đồng hồ” để dân chúng noi theo. Đó sẽ là hành động thiết thực đưa khẩu hiệu xây dựng xã hội học tập vào đời sống hằng ngày.

Cần đánh giá chất lượng giáo dục đạo đức học sinh

Dự thảo BCCT chưa đánh giá chất lượng về giáo dục đạo đức tư cách của học sinh. Dự thảo chỉ nêu vấn đề chất lượng GD&ĐT mà không nhấn mạnh chất lượng giáo dục về đạo đức tư cách học sinh trong khi đây là vấn đề đáng quan tâm nhất trong chất lượng giáo dục hiện nay. Dự thảo cũng không nêu nguyên nhân của những tình trạng đang gây lo ngại cho cha mẹ học sinh nói riêng và xã hội nói chung như bạo lực học đường, ít ham học, ngại chọn ngành-nghề “cực”… Dự thảo BCCT cũng không đánh giá gì về kết quả của phong trào “hai không” của ngành giáo dục.

TS HỒ THIỆU HÙNG Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM,
nguyên Phó Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.