Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Anh giỏi thì anh phải nắm quyền!”

Trên hai số báo vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu sơ nét những mặt được, những điều cần tránh khi nhất thể hóa bí thư - chủ tịch.

Kỳ nầy, chúng tôi giới thiệu ý kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An qua buổi trao đổi thẳng thắn mới đây. Ông Nguyễn Văn An cho rằng nhất thể hóa mà hiểu và làm đơn giản sẽ không phản ánh đúng nguyên lý mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Từng kinh qua nhiều cương vị ở địa phương, từ chủ tịch UBND cho đến bí thư tỉnh ủy, rồi gắn bó với công tác tổ chức của trung ương nhiều năm, ông mong rằng cùng với nhất thể hóa, nên quay trở lại với Hiến pháp 1946 – người uy tín nhất của Đảng được dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch nước, đứng đầu hành pháp…

Quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân

. Thưa ông, lâu nay vẫn có câu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Giờ nhất thể hóa bí thư làm chủ tịch UBND, thì lãnh đạo và quản lý sẽ thay đổi như thế nào?

+ Nhất thể hóa là cách nói đơn giản, chưa thật chuẩn xác về khoa học, pháp lý. Thực chất, đây là vấn đề Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền. Trước 1945, Đảng có lãnh đạo không? Có chứ. Sau 1945, Đảng nắm chính quyền rồi, thì khác gì với cách lãnh đạo trước 1945?

Lãnh đạo là vạch đường chỉ lối, là ngọn đuốc soi đường, còn theo hay không là quyền của dân, không áp đặt. Có thể liên tưởng hình ảnh các cụ học vấn uyên thâm xưa: ai có công to, việc lớn, hiếu, hỉ... đến xin lời khuyên thì cho, ai tin thì làm theo, không bắt buộc. Khi mới ra đời, Đảng lãnh đạo cách mạng bằng Cương lĩnh 1930; bằng hệ thống các cấp, cơ sở đảng, đoàn thể để tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ Cương lĩnh; đấu tranh đối lập với chính quyền thực dân, phong kiến.

Nhưng giành chính quyền rồi, thì Đảng cầm quyền. Cương lĩnh được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật - trở thành quyền lực nhà nước, toàn dân phải chấp hành. Đồng thời, những người tài giỏi trong Đảng ứng cử các cương vị quan trọng của Nhà nước. Cụ Hồ là lãnh tụ Đảng, uy tín nhất trong Đảng được nhân dân, thông qua Quốc hội, tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước. Theo Hiến pháp 1946, ở cương vị Chủ tịch nước, cụ Hồ đứng đầu hành pháp, trực tiếp phụ trách quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cụ có quyền triệu tập và chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ. Đảng hóa thân vào Nhà nước như thế mới đúng là Đảng cầm quyền – cầm quyền thông qua bộ máy nhà nước, trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, và lãnh đạo chủ yếu thông qua luật pháp của nhà nước.

Như vậy, nhất thể hóa phải hiểu là người có uy tín nhất, có năng lực nhất, có quyền lớn nhất trong Đảng ứng cử chức danh đứng đầu cơ quan hành pháp của nhà nước, để dân hoặc cơ quan đại diện của dân lựa chọn và quyết định, đúng nguyên lý quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhất thể hóa, mà hiểu và làm đơn giản, sẽ không nói lên đầy đủ ý nghĩa này.

Giữ nguyên có rất nhiều trùng lặp

. Thực tế thì bộ máy chính quyền địa phương lâu nay được tổ chức quyền lực theo cách bí thư cấp ủy hoặc làm chuyên trách công tác Đảng, hoặc làm chủ tịch HĐND. Cầm quyền như vậy đã đủ chưa?

+ Chưa thật đầy đủ. Trên thế giới, người có uy tín nhất của đảng cầm quyền luôn ra tranh cử chức danh đứng đầu cơ quan hành pháp. Còn ta, ngay từ khi chính quyền mới về tay nhân dân, Đảng đã làm như vậy. Vì sao? Vì hành pháp mới là quyền trực tiếp với người dân; mọi việc làm của cơ quan hành pháp đều ảnh hưởng tức thời tới người dân; và quyền lực đó dễ có nguy cơ bị lạm dụng, tha hóa.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, thông suốt, có phân công trách nhiệm lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng đâu khó nhất? Ấy là hành pháp! Nắm cơm áo gạo tiền, điều hành công việc hàng ngày của bộ máy hành chính nhà nước - ấy mới là hệ thống chỉ huy, hệ thống hành động. Mà làm bao giờ cũng khó hơn nói, khó nhất! Trong điều kiện bình thường đã khó, trong thiên tai, địch họa, trong thời kỳ khủng hoảng còn khó hơn. Chứ Quốc hội, HĐND là cơ chế tập thể, không thể đứng vai chỉ huy.

Vì vậy, đảng cầm quyền bằng cách cử cán bộ nắm giữ trọng trách tại các cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng những người có uy tín nhất, năng lực nhất, phải ứng cử chức danh đứng đầu cơ quan hành pháp. Mô hình ấy hợp lý nhất.

. Nhưng nếu tiếp tục mô hình, phương thức lãnh đạo như hiện hành thì sao?

+ Thì về mặt tổ chức, bộ máy chỉ đạo của Đảng từ trên xuống dưới tiếp tục song trùng với bộ máy Nhà nước. Về mặt nhận thức xã hội, người dân và cả cán bộ lãnh đạo, sẽ tiếp tục có những nhận xét kiểu như “nghị quyết của Đảng thì đúng, nhưng Chính phủ làm chưa tốt”, “nghị quyết của tỉnh ủy thì đúng, nhưng ủy ban làm chưa hay”... cứ như là Đảng không cầm quyền vậy! Còn về mặt hoạt động, rất nhiều nội dung trong sinh hoạt đảng, chính quyền tiếp tục trùng lặp, lẫn lộn với nhau. Ấy là chưa kể trong thực tế quan hệ cá nhân, bí thư và chủ tịch vào công việc cụ thể thường có những lấn cấn... Các nghiên cứu, văn kiện của Đảng nêu rất rõ vấn đề này.

Quyền lực phải gắn với trách nhiệm

. Nhưng có ý kiến cho rằng bộ máy Đảng độc lập tương đối với Nhà nước thì sẽ bớt trực tiếp tới cơm áo, gạo tiền, bớt nguy cơ tiêu cực. Mà như vậy, bộ máy Đảng sẽ trong sạch hơn để giám sát trở lại với bộ máy Nhà nước...

+ Giám sát thì đã có các cơ chế theo pháp luật, có phân công giữa các nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp; và bản thân các nhánh đó đã có cơ chế giám sát nội bộ. Ngoài ra, xã hội và nhân dân tự thân đã có cách riêng giám sát bộ máy nhà nước.

Thảo luận về nhất thể hóa, còn có những ý kiến cho là một người vừa làm bí thư cấp ủy, lại vừa phải làm chủ tịch ủy ban, thì công việc nặng nề quá, khó đảm đương, là “hai người làm còn chưa tốt, nói gì nhập làm một”. Rồi lập luận “bí thư nên đứng ngoài để lắng nghe, để nhỡ bên chính quyền có vấn đề sai phạm gì thì còn có Đảng đứng ra lãnh đạo”...

Biện luận vậy là chưa đi vào cốt lõi của vấn đề, là sợ trách nhiệm. Cốt lõi là phải gắn quyền lực với trách nhiệm. Người đứng đầu tổ chức Đảng phải là người có uy tín nhất, năng lực nhất. Vậy thì anh hãy ứng cử chức danh vất vả nhất, khó khăn nhất của cơ quan nhà nước. Lúc ấy anh mới có uy tín cao trong dân. Chứ lắng nghe thì vị trí nào chẳng phải lắng nghe. Sinh ra anh có uy tín nhất, năng lực nhất, quyền lực nhất mà chỉ để lắng nghe thì quá lãng phí! Còn “chính quyền có vấn đề gì” thì trong cơ chế một đảng duy nhất cầm quyền, Đảng giới thiệu người khác ra ứng cử chức danh đó, có sao đâu.

. Thưa ông, trong cơ chế song trùng hai hệ thống Đảng – Nhà nước như lâu nay, thì đây đó có nhiều ý kiến về việc cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nếu đẩy mạnh nhất thể hóa, thì còn cần một luật như vậy không?

+ Sao không cần? Nhà nước pháp quyền thì mọi tổ chức, mọi hoạt động phải được điều chỉnh bằng luật pháp. Cho nên luật về Đảng, về hội là rất cần thiết.

Trong các văn bản pháp luật hiện hành, không có điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm của Tổng bí thư và bí thư cấp ủy các cấp, nhưng khi các đồng chí đó đồng thời đứng đầu hệ thống hành pháp trong bộ máy nhà nước, thì quyền lãnh đạo của người đứng đầu được gắn với trách nhiệm trước pháp luật. Chứ quyền mà không đi với trách nhiệm, thì tối kỵ. Mọi lý lẽ phải xoay quanh nguyên lý này.

. Xin cảm ơng ông!

Trở lại với Hồ Chí Minh, với Hiến pháp 1946

. Cũng trong đợt này, Trung ương có chủ trương nhập thanh tra nhà nước với kiểm tra của Đảng, nội vụ với tổ chức của Đảng. Có thể hiểu đây là bước tiếp theo của nhất thể hóa bí thư với chủ tịch ở địa phương?

+ Không nên tư duy đơn giản theo kiểu cứ nhập cơ học hai cơ quan, nhập hai người vào một thì là nhất thể hóa. Một cơ quan treo hai biển thanh tra – kiểm tra... chỉ là một cách làm quá độ. Một người có thể tham gia nhiều chức danh nếu người đó đủ tiêu chuẩn, năng lực. Còn tổ chức thì lại khác. Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội - ví như kim giờ, kim phút, kim giây - có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng, không thể nhập làm một, mà phải độc lập.

Kiểm tra cũng như công tác tổ chức, cán bộ của Đảng có nội dung riêng, nếu kết hợp với thanh tra, nội vụ của nhà nước thì chỉ là cách làm. Trưởng ban tổ chức ứng cử luôn cương vị bộ trưởng hay giám đốc nội vụ, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra ứng cử luôn chức trách chánh thanh tra, tổng thanh tra. Còn lúc thực hành quyền lực thỉ phải tách bạch. Việc của Đảng làm theo nguyên tắc của Đảng, quy định của Đảng, trong tổ chức của Đảng. Việc của nhà nước phải làm theo pháp luật của nhà nước, trong tổ chức của nhà nước.

. Đại hội X từng nhận định là đổi mới chính trị còn chậm bước so với đổi mới kinh tế. Vậy với những bước thí điểm nhất thể hóa quyền lực ở địa phương đang triển khai, có thể hi vọng những đổi mới chính trị mạnh mẽ ở Đại hội XI tới?

+ Tôi hi vọng như vậy. Đổi mới chính trị vững chắc là cơ sở cho đổi mới và phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước. Nhất thể hóa là phù hợp với khoa học về đảng cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với mô hình mà Bác Hồ và Đảng ta đã thực hiện từ những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm thôi. Kể ra khẳng định được ngay ở trung ương thì tốt. Tổng bí thư ứng cử chức danh Chủ tịch nước, thì sẽ đúng như Hiến pháp và pháp luật quy định: Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Chứ song trùng như hiện nay, một bên Nhà nước phân công cho Chủ tịch nước, một bên Đảng phân công cho Tổng bí thư, thì chưa ăn khớp lắm...

Vai trò của Chủ tịch nước như hiện nay nặng về lễ nghi, không được như thời cụ Hồ. Nên sửa Hiến pháp, sửa Luật Tổ chức Chính phủ, để Chủ tịch nước đứng cơ quan đầu hành pháp, như mô hình tổ chức nhà nước trong Hiến pháp 1946, là tốt nhất. Cứ làm theo Bác là đúng nhất.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm