KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1-7-1915 – 1-7-2010):

Người Sài Gòn và dấu ấn Mười Cúc

Ngày 30-6, Thành ủy TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP.HCM”. Những câu chuyện cảm động về cố Tổng Bí thư đã phần nào khắc họa chân dung Mười Cúc (tên thường gọi của cố Tổng Bí thư) trong lòng người dân vùng đất mà cả cuộc đời hoạt động nhiệt thành ông từng gắn bó như máu thịt.

Câu chuyện về một bức ảnh

Bà Nguyễn Thế Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn truyền thông (Saigon Media), kể lại câu chuyện cảm động. Trong lần bà và nhà báo Kim Hạnh ra Hà Nội dự Đại hội Đảng lần thứ V, khi kết thúc Đại hội, cố Tổng Bí thư đã mời một số đại biểu, phóng viên chụp chung một tấm ảnh. Khi về Sài Gòn, bà gần như quên ngay bởi “nó chỉ là một tấm ảnh như bao tấm ảnh khác mà thôi”. Nhưng vài tuần sau, thật bất ngờ, bà nhận được tấm ảnh chụp hôm đó từ ông Mười Cúc. Sau tấm ảnh là lời đề tặng cùng dòng chữ ông đã cẩn thận ghi ngày tháng và chú thích tên từng người đứng ở từng vị trí. “Chuyện đó làm tôi ngỡ ngàng và hiểu ra rằng mặc dù bận rộn trăm công ngàn việc, chú Cúc (cha bà Thanh, liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện, là đồng đội với cố Tổng Bí thư nên ngay từ nhỏ bà đã được ông coi như con cháu trong nhà - PV) vẫn dành ra một khoảng thời gian quan tâm đến mọi người từ việc làm tưởng như rất nhỏ” - bà Thanh xúc động.

Người Sài Gòn và dấu ấn Mười Cúc ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: THU HƯƠNG

“Từng làm việc với anh Mười Cúc nhiều năm, tôi thực sự cảm phục anh bởi anh là một vị lãnh đạo đầy kiên nhẫn, dễ mến và hết sức thẳng thắn, chân thành” - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí nói về người đồng chí của mình như vậy. “Mặc dù ở vị trí cấp trên nhưng với đồng nghiệp, anh không bao giờ có thái độ phân biệt cấp trên, cấp dưới. Với các em sinh viên hay công nhân, người lao động bình dân, anh cũng cư xử đúng mực và rất tôn trọng họ” - ông Chí nói với vẻ xúc động.

Người “dám bảo vệ chân lý đến cùng”

Trong ký ức của ông Tô Bửu Giám, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Cục miền Nam - từng là trợ lý của cố Tổng Bí thư thì: “13 năm làm việc cùng anh Mười Cúc cũng là ngần ấy thời gian tôi tâm đắc từ việc làm đến lối sống giản dị, trong sáng của anh. Tôi phục anh vì anh là một trong số ít người dám nói lên sự thật, dám đứng ra bảo vệ chân lý tới cùng”.

Theo ông Giám, chính ông Mười Cúc là người đầu tiên đã công khai đấu tranh để ngày mất chính thức và bản gốc di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công khai cho toàn dân biết. “Khi tôi hỏi tại sao anh làm vậy, anh trả lời người dân là chủ nhân đất nước, họ có quyền biết mọi sự thật, đó mới thực sự là dân chủ”.

Ông Giám kể, mặc dù nhận trọng trách nặng nề là làm bí thư tại một thành phố phức tạp và đông dân nhất nước, công việc bộn bề nhưng ông Mười Cúc không quên khuyến khích, động viên anh em cán bộ nên đi sâu, đi sát quần chúng nhân dân, bởi: “Lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Cán bộ không phải chỉ nói suông, chỉ đi quan sát dân, mà phải gần gũi, phải biết khơi gợi để hỏi dân xem dân nói gì, cần gì. Ấy mới là thực tế hiệu quả, là dân chủ”.

Theo dòng hồi tưởng của ông Giám, mỗi khi đi cơ sở, ông Mười Cúc rất kỵ việc khoa trương kiểu “tiền hô hậu ủng” ồn ào. Không bao giờ ông đi thực tế bằng xe biển xanh mà đi xe biển trắng. Ông cũng không đi theo lịch trình có sẵn, mà thường vừa đi vừa chăm chú quan sát, rồi vào các nhà dân ven đường để hỏi han, trò chuyện thân mật với họ về cuộc sống thường ngày, về cách nghĩ của họ trước mỗi chính sách được nhà nước đưa ra. Bởi với ông, mỗi quyết sách đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Khi được nhắc về vấn đề an ninh, ông Mười Cúc thường cười mà bảo: Ông muốn tự đi như một người bình thường là bởi ông không thích bị chú ý. Còn vấn đề an ninh, không có gì phải lo vì đã có nhân dân bảo vệ mình. Câu chuyện trên đủ để thấy ông đã giành được tình cảm, niềm tin của người dân nhiều đến nhường nào.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có công lao nâng tầm TP. Giờ đây chúng ta phải có trách nhiệm noi gương đồng chí để tiếp tục giữ vững và phát triển vị trí, vai trò của TP là TP đi đầu trong công nghiệp hóa-hiện đại hóa, trở thành một TP XHCN văn minh, hiện đại…

Bí thư Thành ủy TP.HCM LÊ THANH HẢI

Trong tâm khảm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP, dấu ấn về đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn sâu sắc. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về phẩm chất và uy tín của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, đã đem hết sức lực, trí tuệ để cống hiến cho dân, cho nước…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN ĐUA

Các thế hệ thanh niên TP vẫn luôn nhớ và sẽ tiếp tục làm theo lời căn dặn nổi tiếng của cố Tổng Bí thư: “Mỗi thanh niên hãy sống những ngày đẹp nhất, hãy bắt tay vào những công việc bình thường nhưng có ích cho đời”.

Bí thư Thành đoàn TP.HCM NGUYỄN KHẮC HIẾU

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm