Ngày chuyển trang của lịch sử

Tổng thống Dương Văn Minh đã giao ông Nguyễn Văn Huyền làm “phó tổng thống đặc trách hòa đàm”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khi ấy được cử làm thành viên chính thức của phái đoàn đại diện cho phía Việt Nam Cộng hòa đến trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.

Ngày 29-4-1975

6 giờ 30. Đi tìm anh Nguyễn Văn Huyền, vừa được Dương Văn Minh mời làm “phó tổng thống đặc trách hòa đàm”. Anh đang họp với liên danh thượng nghị sĩ Bông Huê tại nhà La Thành Nghệ ở Công trường Quốc tế (góc Phạm Ngọc Thạch - Trần Cao Vân ngày nay). Hỏi anh đã liên lạc với bên kia (tức phía cách mạng, từ dùng của tác giả lúc ấy - tòa soạn) chưa, anh đáp “chưa” và yêu cầu tôi tiếp xúc với trại Davis để thương lượng việc ngưng bắn, nếu có thể. Tôi nói sẽ đi với Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng Kinh tế Thương mại, mà tôi ngờ là người của bên kia…

7 giờ 30. Đến anh Diệp tại nhà riêng ở Đa Kao. Diệp đang chờ. Bỏ xe riêng tại nhà Diệp và đi chung xe với tổng trưởng Diệp, có bảo vệ với súng trường và vô tuyến điện thoại riêng.

7 giờ 45. Đi tìm Nguyễn Văn Hạnh, nhà thầu tư sản dân tộc, hình như là người của tổ chức đặc công nội thành của phía bên kia. Hạnh ở số 5 Trần Khắc Chân, quận 1, ra xe mau mắn.

8 giờ 15. Tìm kỹ sư Tô Văn Cang mà Diệp cho là có chân trong tổ chức tình báo chiến lược, ở xóm Gà, bên Gia Định. Cả bốn ngồi chật ních trong xe cùng hai bảo vệ và một tài xế lên đường đi Tân Sơn Nhất.

9 giờ 45. Tới Tân Sơn Nhất. Không biết trại Davis ở đâu. Thấy xe hơi đậu ngổn ngang, nhiều chiếc còn để máy. Quân nhân và gia đình hớt hải tranh nhau lên các máy bay trực thăng đáp xuống rồi bốc đi ngay. Súng, pháo kích từ xa vào phi trường hàng loạt liên tục… May có người cho biết trại Davis ở gần trại lính dù Hoàng Hoa Thám. Đường đi khó khăn, xe cộ kẹt cứng, người chạy bộ từ ngoại ô kéo vào nội thành nườm nượp… Tiếng súng vẫn nổ rang trên đầu và ầm ì ở xa…

Ngày chuyển trang của lịch sử ảnh 1

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng tiến vào thành phố ngày 30-4-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

11 giờ 15. Với tư cách tổng trưởng, Diệp khéo léo điều đình với trung tá dù trưởng trại cho “bốn sứ giả hòa bình” vào thương thuyết ngưng bắn với phái đoàn quân sự bên kia. Chúng tôi phải để xe cộ cùng thiết bị và bảo vệ ở lại làm con tin. Đi bộ 200 m thấy trại Davis vắng lặng, cửa đóng then cài, bên ngoài không ai canh, bên trong không một bóng người. Bỗng một quả pháo nổ gần đâu đây, tôi nhảy ào xuống rãnh bên chòi gác… Chúng tôi đến lay cổng sắt và gọi ơi ới. Một lúc sau, chú bộ đội mặc y phục xanh lá cây nấp bên cạnh mà không hay, ra hỏi có việc gì. “Xin gặp đoàn quân sự” - anh Diệp nói.

5 phút mà sao lâu thế! Một quân nhân đứng tuổi quắc thước ra bảo mở cửa cho vào (sau này mới biết đó là Đại úy Tài). Ông liền đẩy chúng tôi xuống hầm trú ẩn tránh đạn lạc. Anh Diệp giới thiệu: Diệp là trưởng đoàn đại diện cho Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm; Đầu là phó đoàn đại diện cho Tổng thống Dương Văn Minh. Hạnh và Cang là thành viên đoàn. (Diệp sáng chế như vậy mà không kịp hội ý trước).

Đoàn chúng tôi xin thông báo Chính phủ Minh - Huyền là chính phủ muốn thi hành Hiệp định Paris và xin xem xét ngay việc ngưng bắn. Đại úy Tài vào trong lấy chỉ thị. Lúc ấy đã 12 giờ trưa, từ sáng chưa ăn uống gì, vừa đói vừa mệt, tinh thần rất căng thẳng, lo không biết kết quả ra sao, súng đạn gần xa vẫn ầm ì chát chúa. Bỗng có chú bộ đội mang nải chuối ra chiêu đãi đoàn, nói là chuối trồng tại trại Davis. Ba anh ăn chuối ngon lành, còn tôi nôn nao không ăn được, chỉ ngắt một trái về làm kỷ niệm.

10 phút sau (sao lâu thế!), Đại úy Tài đem ra một mảnh giấy nhỏ bằng ngón tay viết đại ý hai điều: Phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không có chức năng đàm phán hay điều đình; chính quyền Sài Gòn hãy chấp nhận thi hành bản Tuyên bố ngày 26-4-1975 của Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam. Đại úy Tài yêu cầu tôi chép nội dung rồi lấy lại tờ giấy nhỏ ấy. Tài nói thêm: Guồng máy quân sự đã chuyển động mạnh, khó ra lệnh ngưng chiến tức khắc; Sài Gòn nên chấp nhận tuyên bố 26-4-1975 của Mặt trận Giải phóng càng sớm càng tốt, nếu có thể nên trước 4 giờ chiều.

13 giờ 30. Ra khỏi cổng trại Davis, thấy trong chòi canh có điện thoại, tôi liền gọi về anh Huyền báo cáo tình hình. Anh yêu cầu làm cho anh lời tuyên bố chấp nhận điều kiện của Mặt trận Giải phóng ra ngày 26-4-1975, tuy chưa biết cụ thể những điều gì (sau mới hiểu đó là quân đội Sài Gòn phải giải giới, chính quyền phải giải thể).

14 giờ 30. Sau khi đưa hai anh Cang, Hạnh về, tôi lại nhà anh Diệp. Cơm nước qua loa rồi cùng nhau soạn thảo lời tuyên bố cho anh Huyền, với tư cách phó tổng thống đặc trách hòa đàm. Khoảng 16 giờ 30, văn kiện làm xong, đánh ra bốn bản, anh Diệp giữ một, tôi giữ một làm tư liệu, anh Huyền giữ hai bản. Lấy xe riêng, tôi mang đến anh Huyền, anh coi vội rồi đem đến ông Dương Văn Minh thông qua, xong tới đài phát thanh ghi âm phát sóng.

17 giờ. Về nơi tạm trú mở radio, nghe anh Huyền tuyên bố chấp nhận điều kiện 26-4-1975 của Mặt trận Giải phóng và đề nghị ngưng bắn. Bản tuyên bố ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tiếng súng vẫn nổ, một quả pháo rơi xuống gần nhà làm một người cụt chân… Không khí vẫn sục sôi và căng thẳng.

19 giờ. Trời bắt đầu tối. Mượn xe bạn đến hội ý với anh Huyền, rồi cùng đi gặp Dương Văn Minh. Vào cổng sau tư dinh Hoa Lan, thấy ông Minh một mình đứng giữa sân, trong nhà hầu như không còn ai, không khí hiu quạnh. Ba chúng tôi đứng giữa sân, trao đổi thân tình: phần chính trị dân sự đã hết cách, nay là phần bên quân sự. Ông Minh bắt tay và cảm ơn, chúng tôi ra về mà lòng nao nao nặng trĩu.

Ngày 30-4-1975

7 giờ 30. Diệp đến đón để cùng tới anh Huyền xem sự thể biến chuyển ra sao. Rất đông bà con xóm giềng vây kín ngôi nhà nhỏ, Diệp ngại ngùng không vào, bảo tôi cứ xông vô. Không thấy khuôn mặt chính trị nào quen thuộc. Họ đã bỏ đi hết. Anh Huyền mời ngồi, nghe một sĩ quan cấp tá báo tình hình quân sự: Quân Giải phóng đang vào sát thành phố, cầu Rạch Chiếc đã bị chiếm… Lúc ấy Dương Văn Minh cho chiếc xe số 1 tổng thống phủ đến đón đi họp mặt tại Văn phòng thủ tướng, số 7 Thống Nhất (nay là Lê Duẩn). Anh Huyền cảm thấy cô đơn, mời tôi cùng lên xe. Tôi nói với Diệp hãy đợi tôi ở nhà. Khi xe gần tới trước rạp Olympic (nay là Trung tâm Sinh hoạt văn hóa dân tộc), anh Huyền nói nhỏ với tôi bằng tiếng Pháp: “Il faut se rendre!” (Phải đầu hàng thôi!).

8 giờ 30. Xe tới Văn phòng thủ tướng, ông Minh, ông Mẫu (thủ tướng Vũ Văn Mẫu - PV) đã có mặt. Anh Huyền vào phòng trong họp với hai ông. Tôi ngồi ở tiền sảnh trao đổi với vài nhân vật quen biết.

Khoảng 9 giờ 15. Ông Minh ra máy điện thoại gần nơi tôi ngồi, đọc lệnh “Ngưng bắn đơn phương tại chỗ, chờ quân Giải phóng đến” cho đài phát thanh truyền đi. Các ông chuẩn bị vào dinh Độc Lập chờ quân Giải phóng để giao quyền hành! Thấy mình chẳng có tư cách gì ở lại, tôi liền nói với anh Huyền hỏi ông Minh xem có ai làm trung gian chưa, nếu không thì tôi sẽ đi nhờ anh Diệp.

9 giờ 30. Lại lên xe số 1 tổng thống phủ (Đúng là điếc không sợ súng!) đi tìm Diệp và Cang. Chỉ gặp Diệp, Cang nhanh chân vào dinh Độc Lập rồi. Qua tòa đại sứ Mỹ và đại sứ Anh, cảnh tượng tan hoang thê thảm, quân trang quân cụ bỏ đầy đường, cành cây, lá rụng lả tả, yên lặng bất ngờ giữa những làn đạn gầm thét, đôi lúc nghe thấy tiếng chim kêu xào xạc. Về đến nhà tạm trú, đã hơn 11 giờ.

11 giờ 30. Chiếc xe tăng đầu tiên qua cổng dinh Độc Lập. Tôi không chứng kiến cụ thể diễn biến trong dinh như các vị khác và hai anh bạn Diệp - Cang.

Thế là Sài Gòn đã giải phóng, đỡ tổn hại xương máu và đổ vỡ tan tành…

Ngày chuyển trang của lịch sử ảnh 2

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm