Ngăn chặn tài sản ngay khi có dấu hiệu tham nhũng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến vấn đề tẩu tán tài sản tham nhũng và thu hồi tài sản trong vụ Giang Kim Đạt, vụ Vinashin, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chia sẻ: “Một trong những cái gốc của nạn tham nhũng là việc kê khai tài sản mang tính hình thức, quan chức ai cũng khai nghèo nhưng khi sai phạm bị phát hiện thì tài sản khủng. Nghĩa vụ giải trình, chứng minh tài sản hợp pháp của cán bộ đang bị “bỏ quên”. Như vụ Giang Kim Đạt, chỉ mới là quyền trưởng phòng mà có đến 40 bất động sản khắp nơi, hàng trăm tỉ đồng…”.

“Pháp luật của ta hiện nay giao cho cơ quan tố tụng chứng minh tài sản bất hợp pháp của cán bộ vi phạm. Trong khi đó, các nước áp dụng quy định: Buộc người có vi phạm phải chứng minh tính hợp pháp tài sản của cá nhân và người thân có liên quan. Nếu không chứng minh được thì phải thu hồi toàn bộ tài sản do phạm tội mà có. Tôi nghĩ cần phải bổ sung điều khoản “chứng minh tài sản của cá nhân cán bộ và người thân là hợp pháp” vào BLHS sửa đổi tới đây” - vị lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương đề nghị.

Đồng quan điểm phải công khai, giải trình cụ thể nguồn tài sản, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói thêm: “Thời gian qua có nhiều vụ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt không đến 20%. Nguyên nhân có thể thấy là việc giám sát, kiểm tra công tác kê khai tài sản không được chặt chẽ, các quy định của Đảng, Nhà nước đã tạo kẽ hở cho kẻ tham nhũng. Việc chuyển dịch tài sản ra nước ngoài là một hình thức tẩu tán tài sản đáng báo động để cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng có biện pháp ngăn chặn”. Vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề xuất: “Cần phải có một cơ chế đặc biệt để kiểm tra thường xuyên tài sản của cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo cơ quan đó khi có dư luận về việc kê khai tài sản gian dối, giàu bất minh thì cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc kiểm tra một cách bí mật đối với cá nhân và người thân của cán bộ bị nghi vấn”.

Nói về việc khó thu hồi tài sản tham nhũng Giang Kim Đạt và các vụ tham nhũng thời gian qua, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp khó khăn là do chính pháp luật mình chưa chặt chẽ. Cụ thể, nếu ngay từ khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng, cơ quan tố tụng được phép ra quyết định áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản, ngăn chặn mọi giao dịch tài sản liên quan đến cá nhân và người thân của cán bộ có dấu hiệu thì việc thu hồi tài sản tham nhũng sau này sẽ dễ, không thất thoát”.

Cần “lập màn ngăn” tài sản của những gia đình quan chức giàu bất thường

Những cán bộ, lãnh đạo “ăn cắp” từng đồng tiền thuế của dân hiện giàu lên rất nhiều, rất nhanh. Việc kê khai tài sản thời gian qua chưa hiệu quả, hình thức, khó giám sát. Nếu vị cán bộ đó có kinh doanh gì, thu nhập ra sao thì cũng cần phải công khai. Họ giàu lên từ kinh doanh, từ thu nhập khác chính đáng của gia đình thì đáng quý. Nhưng nếu cả nhà đều làm công chức mà giàu lên bất thường thì cấp thẩm quyền cần phải làm rõ, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, lãnh đạo càng cao càng phải kê khai, giải trình tài sản một cách minh bạch, rộng rãi trên công luận. Bởi người dân có quyền được biết tài sản của vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh, bộ, ngành, trung ương bao nhiêu, thu nhập từ đâu. Nếu công khai đến mức như vậy thì người dân mới giám sát được.

Trên thực tế, ngay cả tài sản của lãnh đạo cấp cao nhưng trong nội bộ còn chưa biết thì làm sao mà nhân dân biết được. Người dân không hiểu vì sao ngày càng có nhiều cán bộ giàu lên rất nhanh mà không hiểu họ làm giàu bằng cách nào. Điều đáng nói là ta có cả hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát cả trong Đảng, trong cơ quan quản lý nhà nước, xã hội đều có nhưng hiếm lắm mới phát hiện tham nhũng - mà thường là những vụ nhỏ.

Mặt khác, để hạn chế, răn đe lòng tham của quan tham phải có bản án cao nhất đối với tội phạm tham nhũng.

Ông VŨ QUỐC HÙNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tăng cường kiểm tra hậu mua sắm tài sản công

Với những sai phạm đã xảy ra trong các vụ án kinh tế cho thấy: Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình về mua sắm tài sản cũng như các thông tin về kiểm kê tài sản cán bộ sau khi tham gia dự án vẫn còn bỏ trống. Các chi phí cũng như kết quả hoạt động của dự án mà cán bộ đó được giao tham gia chưa được công khai. Đây là hệ quả của một hệ thống pháp lý nặng lý thuyết, thiếu tính răn đe. Một hệ thống pháp lý tốt, quyết liệt liêm chính thì việc truy tố, ngăn cản các vụ việc tham nhũng sẽ có hiệu quả.

Một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm