DỰ ÁN LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ:

Nếu chỉ hô hào thì không ăn thua

“Nếu chỉ khuyến khích và hô hào thì luật không đi vào cuộc sống mà bắt buộc phải có chế tài, phải có biện pháp để tạo sự chuyển biến trong xã hội về ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả”. Đó là ý kiến của ông Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tại hội thảo góp ý dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sáng 23-3 tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.

Lấy ví dụ từ việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng thiếu lực lượng đi xử phạt nên việc hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra hằng ngày, ông Tân kiến nghị: Dự án luật cần phải có quy định chế tài đối với tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng lãng phí hoặc không tuân thủ quy định sử dụng hiệu quả. Đồng tình, ông Nguyễn Anh Tuấn đến từ Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho rằng có thể lựa chọn một số biện pháp chế tài khả thi để làm trước. Ví dụ, quy định các công trình nhà ở cao tầng, khách sạn mới xây phải lắp thiết bị pin mặt trời thì mới được xây...

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh phải tạo cho học sinh ý thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ, cần tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân biết việc sử dụng thiết bị điện (chiếu sáng, máy lạnh…) bao nhiêu là đủ để tránh lãng phí.

Cạnh đó, một số đại biểu băn khoăn dự án luật chỉ có một chương với ba điều dành cho phần năng lượng tái tạo là quá sơ sài. Lẽ ra vấn đề này phải được quy định thành một luật riêng hoặc không thì phải quy định cụ thể hơn chứ không nên đưa vào dự luật vội vã như vậy. Ngoài ra, dự luật cần quy định về lộ trình loại bỏ các thiết bị tiêu tốn năng lượng…

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm