Nâng chất hoạt động lập pháp của Quốc hội

nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội. Bài viết phân tích những thành tựu đã đạt được cũng như những bất cập và hướng giải quyết nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội.

Nhìn lại lịch sử 65 năm Quốc hội (QH) nước ta, có thể khẳng định rằng hoạt động lập pháp của QH đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền tảng chính trị-pháp lý cho sự hình thành và phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Luật phủ sóng hầu hết các lĩnh vực

Có thể nói chưa có thời kỳ nào mà số lượng các dự án luật được QH ban hành nhiều như trong thời kỳ đổi mới. Đơn cử, QH khóa XI đã thông qua 135 dự án gồm 84 luật, 35 pháp lệnh, 16 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Khóa XII (chỉ nhiệm kỳ bốn năm), QH đã thông qua 97 dự án gồm 64 luật, 11 nghị quyết… Nhờ đẩy nhanh về số lượng mà hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội đều đã có luật điều chỉnh. Đặc biệt, hoạt động lập pháp của QH dựa trên một quy trình ngày càng đổi mới theo hướng dân chủ và trách nhiệm.

Chất lượng lập pháp tuy có tiến bộ nhưng cũng còn một số luật có những quy định chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu của cuộc sống nên tính khả thi thấp. Một số quy định mâu thuẫn với luật hiện hành nhưng chưa kịp thời sửa đổi bổ sung làm cho hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, khó khăn lúng túng trong thực hiện. Việc ban hành văn bản hướng dẫn luật còn chậm làm cho hiệu lực của luật chậm đi vào cuộc sống...

Bên cạnh đó, vấn đề dân chủ hóa trong hoạt động lập pháp dù có tiến bộ nhưng vẫn còn hình thức, chưa thu hút được đông đảo các chuyên gia, các nhà quản lý, các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động vào hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, thảo luận và xem xét thông qua các dự án luật.

Nâng chất hoạt động lập pháp của Quốc hội ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Tránh xuê xoa, dĩ hòa vi quý

Để tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp của QH trong thời gian tới, cần phải tiến hành đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các chủ thể trong các công đoạn của quy trình lập pháp và quy định các chế tài khi các chủ thể đó vi phạm. Cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo dự án luật cũng như tạo điều kiện cho họ bảo vệ ý tưởng của mình để nếu dự án luật sau khi thông qua không đi vào cuộc sống thì cơ quan có trách nhiệm không thể “đổ” lỗi cho QH.

Cạnh đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chiều sâu, đặc biệt là xây dựng một số đạo luật mới để lấp kín các khoảng trống mà từ trước tới nay ở nước ta chưa có luật điều chỉnh. Đây là những dự án luật rất cần thiết cho việc phát huy nhân tố con người và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Ví dụ như luật trưng cầu dân ý, luật về lập hội, luật về quyền tiếp cận thông tin… Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải đoạn tuyệt mạnh mẽ và dứt khoát với các tư duy pháp lý như phân biệt đối xử, thiếu minh bạch, công khai, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức, trách nhiệm không rõ ràng, cụ thể còn ẩn chứa trong các quy định pháp luật…

Điều quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các dự án luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, tránh tình trạng xuê xoa, dựa dẫm, ỷ lại, dĩ hòa vi quý, trách nhiệm không rõ ràng trong thẩm tra các dự án luật. Lâu nay, việc thực hiện chức năng lập pháp và thực hiện chức năng giám sát dường như là hai công việc có tính độc lập, tiến hành một cách riêng rẽ. Vì thế, thời gian dành cho hoạt động lập pháp bị chi phối bởi thời gian thực hiện hoạt động giám sát. Nếu có kế hoạch, biết kết hợp hoạt động giám sát phục vụ cho hoạt động thẩm tra các dự án luật thì việc thẩm tra dự án luật chắc chắn sẽ có cơ sở thực tiễn phong phú phục vụ cho thẩm tra.

Lắng nghe dân và tiếp tục đổi mới

Sáng 5-1, tại Hà Nội, QH đã tổ chức lễ míttinh kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6-1-1946). Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước. Qua 65 năm phát triển, QH đã thực hiện tốt các chức năng đã được nhân dân giao phó. Trong đó, hoạt động lập pháp, giám sát đều được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và khắc phục các thiếu sót, hạn chế của các cơ quan chức năng.

“Lắng nghe ý kiến của nhân dân đã làm cho QH thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. QH sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, nhất là các hoạt động về chất vấn, giám sát sao cho ngày càng hiệu quả, thiết thực” - chủ tịch QH khẳng định.

THÀNH VĂN

Nhớ Quốc hội khóa I

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Tôi đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 8-9-1945, Hồ Chủ tịch ra Sắc lệnh số 14/SL về cuộc tổng tuyển cử bầu QH.

Sự hình thành và phát triển của QH trên thế giới cho thấy chế độ bầu cử QH khi mới ra đời vốn không phải là một chế độ phổ thông đầu phiếu mà là chế độ đầu phiếu hạn chế. Sự phát triển của dân chủ đã đưa chế độ bầu cử đến chế độ phổ thông đầu phiếu. Ra đời muộn hơn so với QH ở các nước trên thế giới nhưng QH Việt Nam đã được bầu với nguyên tắc tiến bộ này. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử bầu QH đã diễn ra thắng lợi trên toàn quốc với 333 đại biểu trúng cử. Đó là một QH dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam Á, cũng là QH đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập, tự do. Lần đầu tiên, những công dân Việt Nam vừa “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” đã được thực hiện quyền làm chủ đất nước bằng lá phiếu bầu ra cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của chính mình - QH khóa I.

Kỷ niệm 65 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam, nhớ về một QH kháng chiến - lập hiến - kiến quốc, một QH đã lãnh đạo thành công công cuộc chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, chúng ta càng tin tưởng về một QH hoạt động ngày càng khởi sắc xứng đáng với sự ủy thác quyền lực của nhân dân.

DIỆP VĂN SƠN

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG Viện Nghiên cứu Lập pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm