KHỞI ĐỘNG TIẾN TRÌNH SỬA LUẬT ĐẤT ĐAI 2003

Năm 2013 khó chia lại ruộng

Đó là: chính sách giao đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm đã giao theo Nghị định 64/1993; chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư; thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Thực tế người dân hiện nay đang rất quan tâm vấn đề đến năm 2013, tức 20 năm từ khi thực hiện giao đất theo Nghị định 64/1993, cũng là thời điểm đất nông nghiệp trồng cây hằng năm chạm đến hạn sử dụng 20 năm, nhà nước có thu hồi ruộng đất để chia lại hay không. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên nêu ra tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10-12.

Vấn đề cực kỳ phức tạp!

Vấn đề giao đất theo Nghị định 64/1993 sau 20 năm thực hiện, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Ông phân tích: Năm 1993, khi giao đất cho dân thì giao theo hộ, theo từng nhân khẩu và theo hạn mức sào. Trung bình hộ hai người được hai sào, hộ 10 người được 10 sào. Sau 20 năm, bây giờ gia đình 10 người có khi chỉ còn hai nhưng gia đình hai người lại thành 10 rồi, từ đó tạo ra sự bất hợp lý. “Hai người vẫn giữ 10 sào, trong khi đó chưa thu thuế đất. Bây giờ điều tiết lại bằng cách gì? Chia lại ruộng đất à? Khó lắm, làm sao chia lại được bây giờ? Mà nếu đã chia lại thì liên tục sẽ chia lại vì dân số liên tục thay đổi. Ra cơ chế gì đây?” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên liên tục đặt câu hỏi.

Năm 2013 khó chia lại ruộng ảnh 1

ộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng cần công nhận sở hữu tư nhân đất ở để chính sách về đất đai được rõ ràng. Ảnh: HC

Tuy nhiên, những câu hỏi của bộ trưởng không được đại biểu nào góp ý kiến. Cho nên ông lại tiếp tục nói: “Khi Quốc hội bàn có đánh thuế đất nông nghiệp hay không, tôi có nêu quan điểm nhưng chưa được chấp nhận. Đó là: Hạn mức đất nông nghiệp giao thì không đánh thuế, còn vượt quá hạn mức thì phải đánh thuế theo lũy tiến. Không để tình trạng hai người giữ 10 sào và 10 người chỉ có hai sào như hiện nay. Đánh thuế tới mức độ anh không chịu nổi, phải trả lại đất đó cho nhà nước để điều tiết lại cho những gia đình khác. Tuy nhiên, phương án này hiện nay chưa làm được”. Theo bộ trưởng, giải độ vênh đất giao vừa nêu chỉ có thể bằng bài toán kinh tế nhưng cụ thể thế nào thì còn tiếp tục phải nghiên cứu.

Nên cho sở hữu tư nhân đất ở?

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là quy định nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Theo Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu, quy định này đã dẫn đến tình trạng không công bằng, không đồng bộ giữa các dự án do nhà đầu tư tự thỏa thuận và dự án do nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một khu vực.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Ngọc cũng cho rằng trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với các chủ sử dụng đất đã tạo ra sự không thống nhất về đơn giá, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí không thỏa thuận được nên rất khó khăn cho việc thực hiện dự án. “Chỉ khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất. Sau 30 ngày mà không thỏa thuận được thì nhà nước quyết định thu hồi đất” - ông Ngọc đề xuất.

20.000 tỉ đồng là tổng số tiền TP Đà Nẵng thu từ đất tính từ năm 1997 đến nay. Dự kiến số thu trong năm 2010 là 3.800 tỉ đồng. Từ năm 1997 đến nay, TP Đà Năng đã thực hiện việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án với tổng diện tích hơn 17.000 ha, đã di dời giải tỏa trên 85.000 hộ dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long không đồng tình với ý kiến trên. Ông Long cho rằng ngay đối với các dự án mà nhà nước quy hoạch xây dựng công trình công cộng thì nhà nước cũng chỉ được thu hồi và áp giá bồi thường với điều kiện đó là đất giao không thu tiền. Còn đất đã bán đấu giá cho người dân thì nhà nước phải mua lại theo thỏa thuận, chứ không có chuyện ra quyết định thu hồi rồi bồi thường là xong.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa nhận ông Long nói chí lý nhưng sẽ không thể sửa được luật nếu “không chọc vào cái sở hữu và cái quyền”. Nếu để quyền sở hữu đất đai như hiện nay thì cực kỳ khó. Bởi lẽ đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thực chất là một đối tượng có hai ông chủ. Một là người đang sử dụng đất, hai là nhà nước. Theo giá thị trường mà dân đòi hỏi thì không biết bao nhiêu cho vừa. “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!” - ông Nguyên thẳng thắn.

Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 do Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai 2003 (do Thủ tướng thành lập) và UBND TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và TP Đà Nẵng. Đây là hội nghị đầu tiên, khởi động cho một loạt các hoạt động trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai 2003.

Rườm rà, phức tạp, chồng chéo

Hệ thống thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn rườm rà, phức tạp gây nhiều khó khăn, phiền hà cho công dân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch hành chính. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thủ tục hành chính về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất, xây dựng và thuế do các bộ, ngành ở trung ương quy định còn nhiều chồng chéo giữa các ngành, các cấp nhưng chậm được khắc phục. Xu hướng quy định về thủ tục hành chính thường nghiêng về phía có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước hơn là có lợi cho người dân.

Ông CHẾ VIẾT SƠN, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng

HẢI CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm