Năm 2008: Vẫn “nóng” chuyện đào đường, quy hoạch, cấp giấy...

Những vấn đề trên được đặt ra tại hai hội nghị triển khai công tác năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Bộ Xây dựng, tổ chức hôm qua (11-1) tại Hà Nội.

Bộ TN-MT sẽ tính giá đất

Về hạn chế của ngành TN-MT, bộ này cho biết: Ở nhiều địa phương, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp so với kế hoạch. Nhiều nơi khi thực hiện kê khai đăng ký cho dân còn gắn với việc nộp các khoản thu khác. Công tác lập hồ sơ địa chính còn hạn chế, đặc biệt là công tác chỉnh lý biến động chưa được chú trọng. Việc theo dõi và cập nhật về đất đai chưa thường xuyên. Hiện tượng khai thác trái phép và sử dụng lãng phí tài nguyên, khoáng sản vẫn diễn ra ở một số tỉnh. Hầu hết các địa phương đều chưa có định hướng tổ chức khai thác theo hướng chế biến sâu, xử lý vi phạm chưa kiên quyết.

Ngành cũng chỉ rõ công tác ban hành một số văn bản trong công tác quản lý đất đai chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Trong năm nay, Bộ TN-MT sẽ thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan và tăng cường tuyên truyền để người dân biết về dự thảo, tạo điều kiện cho họ có tiếp cận và tham gia vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Bộ xin nhận sứ mệnh khó khăn nhất hiện nay là tính giá đất, việc này không hề đơn giản. Cùng với đó, Bộ đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, trước mắt là vấn đề quy hoạch, định giá đất, giải phóng mặt bằng”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Bộ TN-MT là bộ có nhiều lĩnh vực nóng, là đầu mối cung cấp nhiều thông tin cho các nhà đầu tư. Việc giải quyết mắc mớ giữa các bộ về “giấy đỏ”, “giấy hồng”, “giấy trắng” phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết”.

Đào đường: Do quy hoạch không đồng bộ

Tại hội nghị của ngành xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã đề xuất một chính sách chung để khắc phục điệp khúc đào đường. Ông nói: “Con đường vừa mới làm, một thời gian sau ông điện đào lên, rồi đến ông cấp nước, ông điện thoại, rồi thoát nước. Cứ thế, gây bao nỗi khổ cho dân, lãng phí lớn cho xã hội”. Ông cho rằng tình trạng này là do quy hoạch ngành không đồng bộ, không liên thông với nhau. Để khắc phục, TP đã ban hành quy định tạm thời áp dụng trong dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Theo đó, chủ đầu tư trực tiếp thực hiện toàn bộ và đồng bộ các công đoạn điện, nước, điện thoại, cống thoát nước... và UBND TP sẽ đứng ra trả tiền. Sau đó, khi ngành nào thực hiện kế hoạch của mình thì ngành đó trả lại tiền cho nhà nước. Nếu chưa đến thời hạn quy định trong kế hoạch ngành mà xin đào đường là TP nhất quyết không cho.

Để tránh điệp khúc đào đường, thành phố đã áp dụng quy định tạm thời cho chủ đầu tư trực tiếp thực hiện đồng bộ về điện, nước, cống thoát nước... trong dự án nâng cấp, mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: HTD

Tuy nhiên theo ông, cần có một chính sách chung cho cả nước để khắc phục điệp khúc đào đường.

Sớm có quy hoạch vùng Hà Nội và TP.HCM

Bộ Xây dựng thừa nhận việc triển khai quy hoạch chi tiết chưa được coi trọng tại nhiều đô thị. Việc lập quy hoạch chi tiết còn bị động trước thực tế phát triển đô thị. Chưa đáp ứng được yêu cầu quy hoạch phải đi trước một bước, dẫn đến phải thỏa thuận quy hoạch, làm chậm tiến độ đầu tư và cấp phép xây dựng. Bộ đang chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này.

Còn theo đại diện TP.HCM, cần thiết phải phủ kín quy hoạch 1/2000. Đây là đòi hỏi bức xúc của cả nhà đầu tư và người dân. Do không phủ kín được quy hoạch nên nhiều dự án có thủ tục kéo dài, phải thỏa thuận quy hoạch, rồi chờ đợi, sinh ra sự nghi ngờ không minh bạch. Về phía người dân, quy hoạch 1/2000 liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng.

TP đề nghị Bộ Xây dựng sớm phê chuẩn quy hoạch vùng đô thị TP.HCM để TP có điều kiện phê chuẩn quy hoạch chung của TP, từ đó xây dựng quy hoạch ngành một cách đồng bộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho biết Bộ đã hoàn thành cơ bản dự án quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội và vùng TP.HCM. Dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 1-2008.

Ông Nguyễn Hữu Tín cũng đề xuất Bộ cần hỗ trợ TP trong việc nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm, trước mắt là ở khu vực trung tâm TP. Bởi lâu nay mới chỉ chú trọng quy hoạch tổng mặt bằng, không gian phía trên.

Năm qua, Bộ TN-MT nhận gần 10 ngàn lượt đơn, thư. Có trên 100 đoàn khiếu nại đông người đến Bộ, chủ yếu là người dân ở TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tây, Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa...

TUẤN KHÔI - HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm