Luật sư được tham gia quá trình giải quyết khiếu nại

Đối với Luật Lưu trữ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho biết lần đầu tiên, luật quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với tài liệu có đóng dấu mật. Cụ thể, “sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật” và “sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật”, những tài liệu này sẽ tự động giải mật.

Giới thiệu về Luật Khiếu nại, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết luật sư, trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; được xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Về Luật Tố cáo, theo ông Thanh, luật này đã quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Theo đó, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức như công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Đối với Luật Đo lường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay luật này quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ một đến năm lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm