Luật phải ‘trói’ được tài sản tham nhũng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, TS Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), chia sẻ: Trước đây ta hay nói về hậu quả chính trị, là tham nhũng làm suy giảm niềm tin của người dân với cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu quả hoạt động của công quyền. Nhưng còn khía cạnh kinh tế của nó: Mục đích của tham nhũng là lợi ích, có thể là lợi ích tinh thần hay tiền bạc, tài sản và suy cho cùng để phục vụ nhu cầu vật chất của kẻ tham nhũng. Vậy thì mục đích của chống tham nhũng phải là khắc phục hậu quả ấy, mà trước hết là phải thu hồi được tài sản tham nhũng. Nhất là trong tình hình hiện nay, nền kinh tế còn nhỏ mà hậu quả mỗi vụ án tham nhũng - chức vụ đã lên tới trăm tỉ đồng, ngàn tỉ đồng thì càng bức xúc, càng phải quan tâm tới việc thu hồi tài sản.

Phòng ngừa tài sản “tuồn” qua người thân

. Phóng viên: Từng tham gia soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 10 năm trước, ông thấy mức độ quan tâm của người làm chính sách trước vấn đề thu hồi tài sản hiện nay có gì khác?

+ TS Đinh Văn Minh: 10 năm trước chúng ta mới thực sự bắt đầu xây dựng các chính sách, đường lối lớn, toàn diện cho PCTN. Vì toàn diện và cũng là khá mới nên những vấn đề cụ thể như thu hồi tài sản, dù có được đề cập nhưng còn ở mức độ đơn giản. Chẳng hạn, chỉ xem thu hồi tài sản là khâu cuối của xử lý án tham nhũng. Tức có án tuyên rồi thì mới coi tài sản ở đâu, còn bao nhiêu thì thu hồi.

Thực tiễn những năm qua cho thấy cách tiếp cận ấy là không phù hợp. Đợi đến khi án tuyên có hiệu lực thì tài sản đã tẩu tán đâu mất rồi. Vì vậy, các thảo luận đến nay đã hướng tới cách tiếp cận mới: Phải quản lý, giám sát được tài sản, thu nhập ngay từ đầu quá trình hình thành, bám sát biến động của nó.

. Tức là qua thực tiễn mới thấy lỗ hổng lớn của pháp luật trong vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng?

+ Đúng. Qua thực tiễn thì có những quy định mới dần dần đi vào nề nếp, như kê khai tài sản, như yêu cầu về công khai, minh bạch. Nhưng cũng có những vấn đề dần nổi lên, thành bức xúc dẫn tới phải điều chỉnh, bổ sung. Chẳng hạn, có lúc chúng ta bàn nhiều về mô hình cơ quan chuyên trách PCTN dẫn tới việc tái lập hệ thống Ban Nội chính của Đảng và giờ bức xúc nhiều tới việc thu hồi tài sản mà ta đang bàn ở đây.

Về quy trình thì việc thu hồi tài sản tham nhũng nằm ở khâu xử lý vụ việc tham nhũng. Nhưng để thu hồi được thì lại phải quản lý, giám sát được thu nhập, tài sản của người có chức vụ và rộng ra là toàn xã hội - vì phải phòng ngừa việc nhờ cha mẹ, vợ con, anh em đứng tên tài sản. Như thế tức là phải làm tốt phòng ngừa tham nhũng. Và còn phải làm tốt cả khâu phát hiện để biết tài sản nguồn gốc tham nhũng ở đâu, dịch chuyển thế nào...

Như vụ Giang Kim Đạt hiện nay đã thành án đâu. Nếu cứ bẻ theo pháp luật thì phải đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên anh ta tham nhũng thì mới nói được mấy cái biệt thự của anh ta là tài sản tham nhũng. Lúc đó mới nói tới chuyện thu hồi được.

Phải phát hiện tài sản bất chính ngay khi kê khai

. Sẽ mất rất nhiều thời gian hoàn thiện đồng bộ thể chế thì mới có thể nâng cao hiệu quả của thu hồi tài sản tham nhũng được. Theo ông, trước mắt cần có giải pháp nào để cải thiện tình hình?

+ PCTN cũng giống như phát triển kinh tế-xã hội, không thể ngày một ngày hai mà Việt Nam được như các nước phát triển, như G7 được. Nhưng có những việc có thể làm được ngay.

Chẳng hạn, chúng ta đã có pháp luật về chống rửa tiền thì hệ thống ngân hàng phải siết chặt, kiểm soát chặt những giao dịch lớn. Không thể vì lợi ích của mình, vì muốn giữ chân khách hàng mà lờ đi, không báo cáo, không giám sát.

Kê khai tài sản cũng vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần thu hẹp lại. Không nên mỗi năm ngót triệu người phải làm bản kê khai tài sản như hiện nay, mỗi người vài tiếng đồng hồ thôi, nhân lên rất lãng phí. Hãy tập trung vào nhóm có chức vụ cao. Đồng thời cần tập trung một đầu mối quản lý, theo dõi việc kê khai tài sản. Có thể giao Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ làm việc này và trao cho quyền đọc các bản kê khai đó. Có thể chỉ là kiểm tra xác suất 5%-10% thôi nhưng kiểm tra thật sâu để phát hiện xem có trung thực không, chứ không đợi tới khi có tố cáo mới làm như quy định hiện hành.

Rồi ngay lần sửa đổi BLHS này, hãy đổi mới quan điểm về xử lý tội phạm tham nhũng. Luật pháp Singapore rất nghiêm khắc, nhổ bậy ra đường có thể bị phạt roi nhưng với tội tham nhũng chỉ tối đa bảy năm tù. Thay vì nặng về trừng phạt, ta hãy tăng hình phạt tiền, chấp nhận miễn tử hình nếu tích cực khắc phục hậu quả, nộp lại tiền, tài sản do tham nhũng mà có. Chưa kể bỏ tử hình thì các nước mới chấp nhận dẫn độ cho ta nghi can tham nhũng. Ta mà cứ giữ hình phạt tử hình thế này thì chẳng qua quy định cho bõ tức thôi, chứ có mấy khi áp dụng được đâu!

. Cá nhân ông có tin rằng những đề xuất nêu trên sẽ được chấp nhận?

+ Các bức xúc về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã lớn lắm rồi, không chỉ ngoài xã hội mà đã lên tới các cấp hoạch định chính sách. Tôi tin rằng thời gian tới sẽ có những quy định mới chặt chẽ hơn. Tham nhũng và sử dụng tài sản tham nhũng sẽ không thể ngông nghênh như thế này mãi.

. Xin cám ơn ông.

Bốn “điểm kẹt” trong thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay

Theo ts đinh Văn Minh, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện tại đang gặp bốn nhóm vấn đề vướng mắc.

1. chúng ta mới chỉ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn mà chưa mở rộng ra là cần phải quản lý, giám sát được trên phạm vi toàn xã hội. Như thế tài sản của nhóm có nguy cơ tham nhũng rất dễ hòa tan vào tài sản người thân, chiến hữu của họ.

2. quan niệm về thu hồi tài sản mới chỉ giới hạn trong tài sản của người có hành vi tham nhũng. Tức là phải có bản án có hiệu lực pháp luật về tội tham nhũng và chỉ áp dụng với người bị tuyên có tội tham nhũng. Giới hạn như vậy là không triệt để. Quốc tế rộng hơn: Tài sản tham nhũng bao gồm tài sản của chính người có hành vi tham nhũng và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng - tức có thể đứng tên vợ, con, anh em, bạn bè - đều có thể bị thu hồi.

luật pháp của ta chưa theo kịp sự vận động của cuộc sống. Chủ trương tăng phạt tiền, giảm phạt tù được Đảng nêu từ lâu rồi nhưng lần sửa BLHS trước và kể cả bây giờ, có chuyển được đâu. Thậm chí đề xuất miễn hình phạt tử hình nếu tự giác bồi thường, nộp lại tài sản tham nhũng còn bị phản đối. Tâm lý xã hội vẫn rất nặng nề, nghiêng về trừng phạt hơn là ưu tiên khắc phục hậu quả.

Rồi có những vấn đề chúng ta chưa vượt qua chính mình. Như tội danh cố ý làm trái - sòng phẳng ra thì ẩn chứa sau đó là tham nhũng cả. Có người gây hại cả trăm tỉ đồng mà không “cắn” đồng nào thì chẳng ai tin, thế mà vẫn phải chịu - chỉ khép được tội cố ý làm trái. Những việc như vậy cho thấy tư duy pháp lý của ta còn chật hẹp lắm. Cái gì cũng đòi “chỉ tận tay, day tận trán” thì làm sao chống tham nhũng hiệu quả được. Quốc tế người ta quan niệm khác rồi: Món hàng chỉ 2 triệu USD mà anh chi tới 9 triệu USD thì hiển nhiên là tham nhũng, hiển nhiên là vụ lợi.

3. Quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, chúng tôi thấy cần đặt trong tổng thể kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội thì mới làm được. Mà để xử lý được ở quy mô xã hội thì cần hoàn thiện thể chế về đăng ký tài sản, về thuế tài sản.

4. Sự hợp tác quốc tế về PCTN. Chúng ta chưa thực sự có đầu mối, cơ chế hiệu quả theo đúng nghĩa của Công ước LHQ về chống tham nhũng. Như vụ Giang Kim Đạt, đã phát hiện có tài sản ở Singapore nhưng nếu theo luật của ta thì phải đợi đến khi tòa xử xong, bước vào khâu thi hành án thì mới đề nghị tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng được. Vậy từ nay tới lúc ấy, ai dám chắc là tài sản không bị tẩu tán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm