Luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng

Ngày 19-2, hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban Thường trực, Đoàn chủ tịch các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết. Nhiều ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu và đề nghị nên có luật về Đảng để Đảng hoạt động công khai, minh bạch, chống lại mọi sự tùy tiện.

Đề cập về Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi HP 1992, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Phạm Xuân Hằng cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng VN. Tuy nhiên, cách thể hiện Điều 4 dự thảo, cụ thể khoản 3 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật” là chưa đủ, chưa nói lên vị thế, bổn phận cao cả lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. “Không chỉ Đảng Cộng sản mà tất cả các tổ chức xã hội, đoàn thể, mọi công dân đều phải sống, làm việc theo HP và pháp luật, điều đó là tất yếu. Hiến định một quy định mang tính đương nhiên như vậy đối với các tổ chức của Đảng và đảng viên rõ ràng là chưa làm nổi bật, chưa thể hiện sự gắn kết giữa vị thế lãnh đạo với trách nhiệm của Đảng trước nhân dân” - ông Hằng nói.

Luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng ảnh 1

Trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: THÀNH VĂN

Theo ông Hằng, nên sửa khoản 3 Điều 4 thành: “Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”. “Quy định như trên sẽ bảo đảm giá trị pháp lý, bảo đảm vị thế của Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở để Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đó cũng là cơ sở yêu cầu các cấp ủy, đảng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình. Nếu không thì sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quy trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị rất chung chung mà nhiều vụ việc thực tiễn đã xảy ra” - ông Hằng nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Thái - nguyên Ủy viên UBTƯ MTTQ VN, cho rằng quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật thực tế đã có từ rất lâu nhưng đến nay chưa có luật quy định cụ thể. “Hoạt động của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ cũng đều có luật quy định cả rồi, chẳng lẽ Đảng là lực lượng nòng cốt lại không có luật quy định về hoạt động của mình trong quan hệ với nhà nước hay sao? Nếu có luật sẽ khiến Đảng hoạt động công khai, minh bạch, chống lại mọi sự tùy tiện” - ông Thái nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Phùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN cũng tán thành đề nghị sớm luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng để thực thi thống nhất. Trong khi đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đề nghị bổ sung quy định “nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với Đảng theo quy định của luật về giám sát xã hội và phản biện xã hội”.

Trước rất nhiều ý kiến trên, ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ đề nghị cần kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi HP 1992. “Chúng ta quy định thời gian lấy ý kiến là ba tháng nhưng mất nhiều thời gian khởi động, xây dựng kế hoạch rồi lại vướng vào tháng tết nên thời gian góp ý chẳng còn bao nhiêu. Do đó, cần kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhiều hơn nữa. Như thế mới phát huy dân chủ và trí tuệ của nhân dân. Nhất là thời gian gần đầy tôi thấy có rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, phong phú, trí tuệ” - ông Truyền nói.

Để dân bầu trực tiếp lãnh đạo

Tại hội nghị, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng được các đại biểu cho ý kiến. Theo ông Phạm Xuân Hằng, dự thảo sửa đổi quy định về Hội đồng HP do Quốc hội thành lập và chỉ có chức năng kiểm tra, kiến nghị. Nếu chỉ có chức năng kiểm tra, kiến nghị thì hiệu quả sẽ rất thấp. Do đó, cần quy định theo hướng Hội đồng HP phải có thẩm quyền phán quyết. Ông Lê Truyền cũng cho rằng Hội đồng HP phải là tổ chức độc lập để có thực quyền, chứ quy định như trong dự thảo khó phát huy hiệu quả.

Dự thảo sửa đổi HP 1992 cũng bổ sung một quy định rất tiến bộ là nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp. Về điều này, ông Hoàng Thái kiến nghị nên quy định theo hướng những người đứng đầu các cấp do nhân dân bầu cử trực tiếp chứ không thông qua đại diện nữa. “Như thế nhân dân sẽ lựa chọn được người xứng đáng” - ông Thái nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thì cho rằng quy định về biểu quyết như Điều 30 trong dự thảo: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” là chưa phù hợp, nên sửa lại là nhân dân có quyền biểu quyết về HP và những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm