Luật biển truyền thống và luật biển hiện đại

>> Bài 1: Tìm hiểu luật biển, đảo

>> Bài 2: Biển, đảo Việt Nam hiện như thế nào?

Khi nói “biển” là nói cả “đảo” và “quần đảo” vì các hải đảo đều nằm trên biển. Pháp luật liên quan đến biển và đảo gọi chung là luật biển. Luật biển quốc tế gồm nội dung thỏa thuận của các quốc gia, định ra các nguyên tắc về chế độ pháp lý của các vùng biển (nước ven biển và các nước khác có quyền gì); các hoạt động sử dụng, khai thác biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên sinh thái biển; tranh chấp, bảo vệ quyền lợi trên biển...

Từ lâu đời, trong mối bang giao giữa nước ta với các nước láng giềng (chủ yếu là Trung Quốc ở phía bắc; Chiêm Thành, Chân Lạp ở phía nam; Lão Qua ở phía tây) coi như không có pháp luật về biển đáng kể. Biển rộng bao la, tài nguyên, lợi ích chưa thấy rõ nên chẳng ai giành.

Chủ quyền đối với các khu vực vô chủ trên biển được xác lập bằng sự phát hiện và công khai chiếm giữ ngay tình mà không có ai cản trở; nhà nước cai trị tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác qua một thời gian dài.

Như trường hợp quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của nước ta, từ lâu đời người Việt đã đến đó đánh bắt hải sản, lượm giữ đồ vật trôi nổi tấp vào đó; nhà nước Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam đã thực sự quản lý, đặt cột mốc làm dấu, thu thuế, đo vẽ họa đồ... thì đó là thuộc lãnh thổ của Việt Nam, không ai tranh cãi được. Đó là “luật biển truyền thống” đã áp dụng từ thời xưa.

Từ khi nước ta bị Pháp đô hộ, chủ quyền ngoại giao đều nằm trong tay Pháp. Lúc đó, họ thay mặt nước ta để ký kết, ban hành một số văn bản pháp luật áp dụng cho nước ngoài. Thí dụ như một nghị định của chính phủ Pháp ban hành năm 1926 nghiêm cấm nước ngoài vào đánh cá trong các lãnh hải của xứ Đông Dương thuộc Pháp - phạm vi biển cách bờ ba hải lý (một hải lý bằng 1.852 m).

Pháp cũng ký một số hiệp ước song phương với Trung Hoa hoặc ra tuyên bố về biển, đảo với các nước (1887, 1921, 1932...). Những văn bản đó là “công pháp quốc tế” ban đầu có liên quan đến biển, đảo của nước ta.

Sau 1945 đến 1975, Chính phủ Quốc gia Việt Nam (thời Bảo Đại) và Việt Nam Cộng hòa (từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu) đều có ban hành văn bản pháp luật, ra tuyên bố tuyên cáo với các nước về chủ quyền biển và việc quản lý, sử dụng biển, đảo Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã từng tham gia Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ nhất vào năm 1958. Hội nghị này đã thông qua bốn công ước quốc tế liên quan đến biển, đảo, việc đánh bắt cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển...

Đại Nam Nhất thống toàn đồ (Đời Minh Mạng 1802 - 1845) - Ảnh trích từ website: http://doandanchinhdang.hue.gov.vn
Đại Nam Nhất thống toàn đồ (Đời Minh Mạng 1802 - 1845) - Ảnh trích từ website: http://doandanchinhdang.hue.gov.vn

Sau khi đất nước độc lập, thống nhất, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ ba (từ 1973 đến 1982). Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea) từ năm 1982.

Bên cạnh đó, nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để điều chỉnh quan hệ biển, đảo. Như Tuyên bố ngày 12-5-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố ngày 12-11-1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia ngày 17-6-2003; Nghị định số 30/CP ngày 29-1-1980 về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển Việt Nam; Bộ luật Hàng hải ngày 30-6-1990; Luật Dầu khí ngày 6-7-1993 v.v...

. Luật Biển có khác với Luật Hàng hải không? Khác như thế nào?

Vương Tất Đức (Phòng Tư pháp huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)

+ Luật Biển (Law of the Sea) và Luật Hàng hải (Maritime Law) là hai ngành luật quốc tế khác nhau. Luật Biển thuộc công pháp (chủ thể là các nhà nước), còn Luật Hàng hải thuộc tư pháp (chủ thể là các tư nhân) có tính chất dân sự.

Luật Hàng hải là tập hợp các quy tắc pháp luật điều chỉnh mối quan hệ kinh tế-xã hội được hình thành trong hoạt động hàng hải (hoạt động có sử dụng tàu biển, chủ yếu là tàu thương mại) nhằm vào mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, xã hội...

LS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm