Luật biển quốc tế

>> Bài 1: Tìm hiểu luật biển, đảo

>> Bài 2: Biển, đảo Việt Nam hiện như thế nào?

>> Bài 3: Luật biển truyền thống và luật biển hiện đại

Cách sinh hoạt của con người từng bước hình thành những tập quán chung (gọi là tập quán quốc tế) và những thỏa thuận thành văn giữa các nhà nước với nhau. Đó gọi chung là luật biển quốc tế.

Luật biển quốc tế từng bước phát triển, nhằm mục đích chủ yếu là phân chia chủ quyền trên biển, việc sử dụng, khai thác biển, bảo vệ môi trường biển và hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực này. Nước ven biển luôn muốn mở rộng chủ quyền của mình trên biển và các đảo; còn quốc gia không có biển, từ xa đến thì muốn được tự do trên biển về các mặt đi lại, sử dụng, nghiên cứu, thăm dò, khai thác... Hai khuynh hướng này đối lập nhau.

Vào năm 1930, lần đầu tiên một hội nghị pháp điển hóa luật quốc tế về biển được Hội Quốc Liên tổ chức tại La Haye (Hà Lan) bàn về lãnh hải. Nhưng vì có mâu thuẫn gay gắt giữa các nước, nhất là về chiều rộng lãnh hải nên hội nghị không thông qua được công ước nào.

Sau đó vào năm 1958, Hội nghị lần thứ nhất của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tổ chức tại Genève (Thụy Sĩ). Hội nghị đã thông qua bốn công ước (về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; về biển cả; về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển; về thềm lục địa). Nhưng hội nghị này cũng chưa thống nhất được bề rộng lãnh hải, thềm lục địa.

Năm 1960, Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ hai được tổ chức tại Genève để đàm phán tiếp về bề rộng lãnh hải nhưng rốt cuộc cũng không đạt được kết quả khả quan nào.

Hội nghị lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tổ chức liên tiếp các phiên họp tại nhiều nước (New York, Hoa Kỳ; Caracát, Vénézuela; Genève, Thụy Sĩ) kéo dài suốt chín năm (1973-1982). Hội nghị quy tụ được sự tham dự của hầu hết các nước trên thế giới và ký kết được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10-12-1982 tại Montego Bay (Jamaica). Quốc hội Việt Nam phê chuẩn công ước này ngày 23-6-1994. Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 16-11-1994.

Đây là văn bản pháp luật quốc tế (gồm 17 phần, 320 điều kèm theo chín phụ lục và bốn nghị quyết), được coi như Hiến pháp trên biển, có vai trò quan trọng chỉ sau Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

. Trung Quốc tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 chưa?

Nguyễn Thế Sơn (49 KP Đông Tư, Lái Thiêu, Bình Dương)

+ Trung Quốc là thành viên Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, đã tham gia Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1973-1982) và đã ký Công ước về Luật Biển năm 1982.

Năm 1996, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và trở thành thành viên chính thức của công ước này.

Tiến sĩ PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm