Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thua kiện cũng không mất án phí

Chiều 18-6, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra băn khoăn về quy định miễn tạm ứng án phí, lệ phí tòa án cho người tiêu dùng tham gia vụ án dân sự.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và ĐB Đinh Kiều Vân (Quảng Trị) cho rằng quy định như trên sẽ trái với Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì theo quy định, khi tham gia các vụ kiện dân sự, bên nào thua thì bên đó sẽ phải chịu án phí. Nay nếu quy định như trên dễ dẫn đến tình trạng kiện tràn lan, vì thắng kiện thì được bồi thường, còn thua thì cũng chẳng mất gì, kể cả là án phí. “Theo tôi, chỉ nên miễn tạm ứng án phí cho một vài trường hợp nhất định, còn lại vẫn phải chịu án phí” - bà Thúy đề xuất.

Nhiều ĐB cũng tỏ ra hồ nghi về vai trò cũng như năng lực thực sự của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng khi dự luật trao nhiều quyền cho hiệp hội này. Đó là đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại, khởi kiện các đơn vị vi phạm cũng như được phép độc lập kiểm tra, giám định hàng hóa, dịch vụ. Bà Thúy dẫn chứng vụ xả thải của Vedan gây ô nhiễm môi trường, nếu để Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tìm chứng cứ thì rất khó. Do đó, cần phải có cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc như VKSND. VKS có thể đại diện cho người tiêu dùng đứng ra khởi kiện các vụ việc vi phạm. ĐB Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) thì đề nghị không nên cho phép hiệp hội kiểm tra vì như thế sẽ trái với các quy định của pháp luật. “Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới được phép kiểm tra, giám định hàng hóa” - ông Tỵ khẳng định.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thua kiện cũng không mất án phí ảnh 1

Người tiêu dùng khó phân biệt thực phẩm nào có chất gây hại, giá thuốc, sữa cao hay  thấp nên cần có quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý. Ảnh: HTD

Đề cập đến vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đều có chung nhận định là “mờ nhạt”. Ông Tấn cho rằng người tiêu dùng rất khó biết được nước tương có chứa chất gây ung thư, giá thuốc, giá sữa cao hay thấp. Do đó, cần phải có quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, UBND các cấp trong việc quản lý các mặt hàng này. Còn bà Minh thì thẳng thắn nhìn nhận là người dân hiện đang rất “dị ứng” với các quy định mà chúng ta đưa ra nhưng không thực hiện được, như quy định cấm hút thuốc lá. Do đó, nếu cứ quy định như trong dự thảo thì quyền lợi của người tiêu dùng vẫn sẽ bị xâm phạm.

Ông Phạm Vũ Luận chính thức trở thành bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chiều 18-6, với hơn 80% phiếu tán thành, QH đã chính thức thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông Phạm Vũ Luận giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, QH đã bầu ông Mai Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Ông Phạm Vũ Luận sinh năm 1955, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Năm 1999-2004, ông là hiệu trưởng ĐH Thương mại. Tháng 6-2004, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ tháng 4 đến nay, ông Phạm Vũ Luận đã tạm điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo chương trình kỳ họp, sáng nay (19-6), QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viên chức. Chiều cùng ngày, QH sẽ tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; Nghị quyết giám sát chuyên đề… Sau đó QH sẽ họp phiên bế mạc.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm