HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM

Lòng dân - “vũ khí” diệt tham nhũng

Khi đất nước còn muôn vàn khó khăn phải đối mặt, người dân nhiều nơi còn chưa được cơm no, áo ấm như điều mong muốn đơn sơ của Bác Hồ, chúng ta không thể nào chấp nhận được những con sâu tiêu cực, tham nhũng đang ung dung đục khoét đất nước. MTTQ - nơi thể hiện lòng dân, không thể chậm trễ, càng không thể thờ ơ trước tình trạng này. Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong chương trình thảo luận của Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 4 (khóa VII), diễn ra tại TP.HCM ngày 11-1.

100.000 đồng và ván cờ 5 tỉ đồng

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đã nhiều khóa làm đại biểu QH, lâu nay có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên coi thường pháp luật và coi thường quần chúng để làm biết bao điều bất bình trong nhân dân. Tình trạng bất công xã hội cũng khiến sự ngăn cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng. Đặc biệt, hàng triệu nông dân còn đang sống nghèo khổ trên những thửa ruộng của mình; họ không có cả quyền làm chủ thực sự trên mảnh đất ấy. Sự có mặt của tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đang gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. “Đau xót nhất là việc bồi thường phần đất bị thu hồi nhiều nơi đã hoàn toàn thiếu dân chủ, thiếu thỏa đáng. Nhất là khi chính mảnh đất đó không được đưa vào các mục đích phục vụ cho lợi ích chung mà biến thành nhà ở bán kiếm lời, thành các dự án bỏ hoang nhiều năm…” - GS Dũng bức xúc.

GS Dũng tiếp tục: Bức tranh đối lập như càng rõ hơn khi ở những vùng quê, tiền mừng tết sắp tới cho mỗi thầy cô giáo chỉ vẻn vẹn 100.000 đồng. Nếu so với “mỗi ván cờ 5 tỉ đồng” của hai “quan kỳ thủ” ở Sóc Trăng thì thật không biết phải nói thế nào cả. Tiền ở đâu mà cán bộ mang đánh bạc lắm thế? “Đáng tiếc là không ít người giàu lên nhanh chóng không phải do tài năng, do cống hiến mà lại là những người mang danh đầy tớ nhân dân nhưng lại dựa trên đặc quyền, đặc lợi để mua bán đất đai trái pháp luật hoặc thản nhiên nhận hối lộ trắng trợn - để bù lại số tiền đã bỏ ra để chạy chức chạy quyền” - GS Dũng nói.

Lòng dân - “vũ khí” diệt tham nhũng ảnh 1

Lời khẳng định “chống tham nhũng không có vùng cấm” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được các đại biểu tham dự hội nghị hoan nghênh nhiệt liệt. Ảnh: MC

Đã nhóm lửa thì phải hành động

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là vấn đề đã được Đảng thấy và nêu ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn tiếp tục kéo dài ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều biến tướng. Điều đáng lo nhất là điều bất thường này đã trở thành bình thường trong tâm tưởng của người dân khi họ chấp nhận sống chung với tham nhũng. “Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao công tác xây dựng Đảng luôn được trung ương coi trọng và đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động nhưng kết quả chưa đạt được yêu cầu” - ông Khoa đặt vấn đề.

Ông Khoa cũng cho hay người dân chỉ hỏi một điều rất đơn giản là “tình trạng ấy còn đến bao giờ?”. Người dân chỉ mong Đảng đã nhận thấy, đã nhóm lửa lên rồi thì phải hành động và hành động một cách quyết liệt, bền bỉ dù phải chịu đau đớn. “Đảng không thể nào cứ tiếp tục để một bộ phận cán bộ hư hỏng làm ảnh hưởng đến uy tín sự lãnh đạo của mình nữa. Và lời giải cho câu hỏi trên sẽ có được nếu việc xây dựng Đảng biết tin ở dân lắng, nghe dân” - ông Khoa kết lại.

Rất nhiều ý kiến tại hội nghị cũng chung nỗi lòng với phát biểu của GS Nguyễn Lân Dũng và ông Đặng Văn Khoa, gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là MTTQ Việt Nam. Các đại biểu nhấn mạnh hơn bao giờ hết Mặt trận cần phải vào cuộc, lấy nội dung mà Đảng đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương 4 làm cơ sở để giúp Đảng làm trong sạch mình. Chỉ có như thế mới tạo dựng thêm lòng tin của nhân dân, tôn tạo thêm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên nguồn năng để xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không có vùng cấm trong chống tham nhũng

Trước hết MTTQ cần phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ để các cơ quan có thẩm quyền sớm thông qua. Lấy đó làm cơ sở phát huy vai trò của Mặt trận trong việc giám sát hoạt động của các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phản biện các chủ trương chính sách của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong quá trình chuẩn bị. Mặt trận cần thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện và phát hiện, đấu tranh kịp thời với những vi phạm, bảo đảm cho các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Tôi đề nghị MTTQ Việt Nam cần tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng theo tinh thần nghị quyết trung ương vừa qua. MTTQ các cấp, trên cơ sở tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cần cung cấp cho tổ chức đảng các thông tin trung thực, khách quan, không né tránh để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt, có chất lượng hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Đồng thời, Mặt trận các cấp cần làm tốt việc tổ chức, động viên nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dù đó là ai, ở cấp nào, không có vùng cấm; tạo ra dư luận xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ các tệ nạn này. Mặt trận cần theo dõi, giám sát, thúc đẩy việc xử lý nghiêm mọi vi phạm theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để “chìm xuồng”, “rơi vào im lặng” hoặc “nhẹ trên, nặng dưới”; kiến nghị kịp thời với Đảng và Nhà nước tôn vinh những người có công đóng góp vào công tác xây dựng Đảng và bảo vệ những người có dũng khí đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

(Trích phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 4 (khóa VII) ngày 11-1)

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm