NỔ SÚNG NGĂN CHẶN HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Liên quan mạng sống, cần quy định chặt

Liên quan dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (THCV) do Bộ Công an đang soạn thảo, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói: Nghị định không được trái với pháp lệnh. Nếu thấy cần thiết, Bộ Công an, Chính phủ có thể kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa pháp lệnh hoặc xây dựng thành luật.

Pháp lệnh đã quy định chi tiết

Ông Trương Quang Hưng, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp - Vụ Pháp chế, Bộ Công an, đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo nghị định, cho biết: Trước đây, hành vi nổ súng áp dụng cho lực lượng cảnh sát được điều chỉnh trong Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân. Quân đội cũng có những văn bản hướng dẫn riêng. Gần đây, Pháp lệnh số 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định khá chi tiết các trường hợp được nổ súng, áp dụng cho cả quân đội, công an. Tuy nhiên, ở tầm Chính phủ lại chưa có văn bản nào để quy định trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc phòng ngừa, ngăn chặn việc chống người THCV.

Với nhận định điều khoản về sử dụng súng trong dự thảo không chi tiết, cụ thể bằng Pháp lệnh 16, ông Hưng cho rằng dự thảo nghị định có đưa ra những trường hợp được nổ súng, khoanh vùng trong yêu cầu ngăn chặn hành vi chống người THCV. Ngay cả trong trường hợp được nổ súng thì vẫn phải tuân thủ nguyên tắc hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Không phải cứ được phép là bắn thẳng vào đầu người có hành vi vi phạm. Nổ súng là nhằm vô hiệu hóa hành vi chống người THCV chứ không nhằm mục đích gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị bắn.

Liên quan mạng sống, cần quy định chặt ảnh 1

Một tài xế xe tốc hành bị bắt vì chống người thi hành công vụ. Ảnh: Quang Sáng

“Thực ra người được trang bị súng đều phải được tập huấn không chỉ kỹ năng sử dụng vũ khí mà cả các nguyên tắc, quy phạm, trình tự, thủ tục luật định về việc nổ súng. Người được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ phải nhận định được tình huống để quyết định bắn lúc nào, vào đâu. Ví dụ, đối tượng ma túy chuẩn bị hẳn súng AK đầy đạn để chống trả thì có khi phải bắn thẳng vào đối tượng để ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí. Còn trường hợp sử dụng ô tô lao vào lực lượng tuần tra thì chỉ được bắn vào lốp để xe chệch hướng, an toàn cho người THCV. Tương tự, đối tượng là phụ nữ hoặc tay không thì biện pháp ngăn chặn đâu cần thiết bằng súng đạn…” - ông Hưng nói.

Không được trái với pháp lệnh

Ông Đinh Xuân Thảo thì nói: Về nguyên tắc, nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV phải phù hợp vớiPháp lệnh số 16. Nếu không dựa vào pháp lệnh mà lại đưa ra một quy định mới thì phải báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chứ ban hành một nghị định không đầu, không dựa vào đâu thì tự Chính phủ không thể ban hành được. Nếu coi nghị định trên là văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh thì các nội dung đó phải phù hợp với pháp lệnh. Trái với pháp lệnh là không phù hợp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được xây dựng, quy định “mọi người có quyền sống” nên những cái gì liên quan đến tính mạng con người thì cần phải quy định một cách nghiêm ngặt, nghiên cứu một cách thấu đáo. Trường hợp nếu cần thì có thể nghiên cứu sửa đổi pháp lệnh. Thậm chí, nếu thấy cần thiết hơn thì có thể nghiên cứu xây dựng thành luật. Trong khi chưa có luật thì phải thực hiện theo Pháp lệnh số 16.

NGHĨA NHÂN - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm