Lấy phiếu tín nhiệm: Phải rõ trắng - đen

Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử QH đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước. Đại biểu QH rất phấn khởi, cử tri cũng vui mừng, có thêm niềm tin sau khi kết quả được công khai. Nhưng niềm vui ấy rồi cũng lắng xuống, dành chỗ cho những mổ xẻ, phân tích giá trị, ý nghĩa của sinh hoạt chính trị mới mẻ này.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (QH khóa XII).

Quyết định cho tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại QH và công khai kết quả với công chúng là bước tiến mới về dân chủ nhưng nó cũng phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện Luật Giám sát của QH, hiện đang có hiệu lực.

Nghị quyết 4 gỡ vướng

Luật định là chỉ cần có đề nghị của một cơ quan QH hoặc của 20% tổng số đại biểu (ĐB) QH thì đã phải tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm rồi nhưng 10 năm qua, cơ chế ấy không thể vận hành. Lý do rất dễ thấy: Nhân sự là công tác của Đảng, chưa có ý kiến lãnh đạo thì khó có chuyện một cơ quan nào của QH đề xuất. Và phần lớn ĐBQH là đảng viên, mà một trong những điều đảng viên không được làm là ký kiến nghị tập thể thì làm sao có con số 20%? Như thế, luật không thực hiện được vì vướng ở phương thức lãnh đạo của Đảng.

Bản thân công tác nhân sự của Đảng làm theo cách truyền thống cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà rõ nhất là sự thiếu trách nhiệm chính trị ở “một bộ phận không nhỏ” người có chức vụ, quyền hạn. Đến mức sau nhiều cuộc phát động xây dựng, chỉnh đốn, đến nhiệm kỳ này, lại một lần nữa Trung ương Đảng phải ra Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng.

Lấy phiếu tín nhiệm: Phải rõ trắng - đen ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Hai cái vướng gặp nhau và Nghị quyết 4 quyết định tháo gỡ bất cập ấy bằng chủ trương lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND. Như thế, sinh hoạt vừa diễn ra ở QH có thể coi là cuộc sát hạch mở rộng của đợt kiểm điểm vừa diễn ra trong nội bộ Đảng, với ba mức đánh giá: “Đạt yêu cầu”, “cơ bản đạt yêu cầu”, “không đạt yêu cầu”.

ĐB thiếu thông tin

Lá phiếu ở QH cũng thiết kế theo cách ấy: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Căn cứ vào câu chữ thì “tín nhiệm thấp” thì vẫn là còn tín nhiệm. Nhưng khắt khe một chút, khoa học một chút thì ba mức đánh giá trong lá phiếu có thể được hiểu tương ứng là: “Tín nhiệm”, “không đánh giá” và “bất tín nhiệm”.

Phân tích kết quả vừa công bố thì thấy số “không đánh giá” ấy trung bình lên tới 220 phiếu dành cho mỗi chức danh lãnh đạo. Tức là có tới 44% ĐBQH tham gia bỏ phiếu đã không thể rạch ròi nhận định của mình về chức danh mà trước đó họ bầu ra.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này.

Chẳng hạn, ĐBQH rất thiếu thông tin. Từng trải qua công tác ở QH, tôi tin rằng hầu hết ĐBQH chỉ dựa vào quan sát cá nhân, vào dư luận và thông tin từ báo chí để đánh giá các chức danh mình có trách nhiệm giám sát. Nhưng trong những thông tin ấy, có nhiều phần là cảm tính.

Chưa kể, khá nhiều lĩnh vực hoạt động Nhà nước hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài, ngay cả ĐBQH cũng khó có thể tìm hiểu, thậm chí không đủ bản lĩnh để tiếp cận. Có những lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng chẳng hạn, ông bộ trưởng đâu được toàn quyền quyết định. Và nhất là hoạt động của các vị lãnh đạo thì khó ai nắm bắt, tìm hiểu cho hết được.

Một nguyên nhân quan trọng khác bắt nguồn từ cơ chế tập thể lãnh đạo. Đã tập thể lãnh đạo thì trách nhiệm cá nhân sẽ bị mờ nhạt. Và như thế, lấy phiếu tín nhiệm, với bản chất là truy tới cùng trách nhiệm cá nhân, khó đạt kết quả như đòi hỏi của nó…

Chỉ nên có hai mức đánh giá

Tất cả dẫn tới kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này có gì đó mờ mờ, chưa rõ. Và vì vậy, nhiều vấn đề cần được tiếp tục đưa ra thảo luận.

Chẳng hạn, có nên đưa cả 49 chức danh nhà nước vào một lần bỏ phiếu, hay tách ra: Kỳ họp này đánh giá các thành viên Chính phủ, kỳ họp sau tới lượt các vị Ủy ban Thường vụ QH chứ chung một lần vừa làm loãng, vừa có thể dẫn đến so sánh, đánh giá thiếu công bằng các lĩnh vực vốn hoàn toàn khác nhau. Rồi có nên lấy phiếu cả những chức danh mang tính biểu tượng, như chế định Chủ tịch nước không.

Riêng tôi thấy rằng nên trở lại với Luật Giám sát của QH nhưng sửa đổi để cơ chế đánh giá tín nhiệm vận hành được.

Ở các nước, chỉ cần một ý kiến ĐB, về một nhân sự cụ thể, thì QH đã phải đưa ra thảo luận. Thảo luận cho rõ vấn đề, rồi để thận trọng thì biểu quyết có tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm hay không. Quá bán đồng tình thì bỏ phiếu chính thức và chỉ nên hai mức rõ trắng đen tín nhiệm/bất tín nhiệm mà thôi.

Đánh giá tín nhiệm như thế sẽ đỡ cồng kềnh, vất vả mà kết quả lại thuyết phục hơn. Theo cách ấy, có thể khắc phục hạn chế yếu kém của công tác tổ chức hiện nay: Có vào nhưng không có ra.

Lấy phiếu, hay bỏ phiếu tín nhiệm, thì cũng là một cách để kiểm soát quyền lực. Mà để kiểm soát được như mong muốn của Đảng thì trước hết phải khắc phục tình trạng thiếu rạch ròi trong phân công quyền lực. Cuộc thảo luận sửa đổi HP đang tiến hành là cơ hội để nhân dân thực hiện sự phân công ấy và qua đó giúp đánh giá tín nhiệm được chính xác, công bằng hơn.

Với hệ thống chính trị, lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ có tác dụng nhất định, đặc biệt với những người được tín nhiệm chưa cao.

Với công chúng, lấy phiếu tín nhiệm lần này có lẽ là món lạ miệng, thậm chí là đặc sản. Nhưng dùng mãi thì cũng chán.

Đổi mới là quá trình không ngừng. Lấy/bỏ phiếu (bất) tín nhiệm ở QH cũng nằm trong quy luật ấy.

Cơ cấu ĐB cũng ảnh hưởng kết quả

Cơ cấu ĐBQH cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả lấy phiếu. 498 ĐBQH thì 92% là đảng viên, với gần nửa là cán bộ cỡ tỉnh ủy viên, thường vụ tỉnh ủy và tương đương trở lên. Trong số đó, cỡ ủy viên trung ương - gồm hầu hết các bí thư tỉnh ủy, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan của QH - và cấp cao hơn nữa, đã hơn 100 người. Rồi số ĐB từ các lực lượng vũ trang mấy chục người nữa... Họ rất hiểu những sự co kéo, vướng trên, vướng dưới của hệ thống.

Cũng là đảng viên, số ĐB là cán bộ cơ sở có điều kiện gần dân, nghe được tiếng nói của dân chiếm khoảng 1/3 QH. Nhưng tuổi đời còn trẻ, chức vụ thấp thì xu hướng thường là thiếu tự tin, dễ ảnh hưởng bởi ý kiến người khác hoặc dễ tìm giải pháp an toàn: Đánh giá tín nhiệm mức chung chung, chẳng cao, chẳng thấp.

Phần lớn ĐBQH gánh nhiều vai, không hành pháp thì cũng là tư pháp hoặc cán bộ ban đảng, đoàn thể... Là người trong cuộc, họ hiểu sự phức tạp của hệ thống. Ở mức độ nào đó, họ cũng tự liên hệ với bản thân mình, không muốn có sự xáo trộn nào. Như thế, dễ có tâm lý thông cảm cho đồng chí của mình.

Số ĐB chuyên trách chiếm ngót 1/3 QH có lẽ nghiêm khắc nhất. Hiểu sâu sắc về chức năng giám sát nên họ có xu hướng khá độc lập trong nhận định, phân tích, cách đánh giá tín nhiệm có thể khắt khe hơn những người khác. Tuy nhiên, được xếp vào ngạch công chức, họ vẫn có những vướng víu nhất định, nhất là ĐB ở địa phương.

PGS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm