Lập cơ quan bảo hiến: Dân phải phúc quyết hiến pháp

Hiến pháp là đạo luật cơ bản (là luật mẹ) có hiệu lực pháp lý cao nhất mà còn bị vi phạm thì đối với các đạo luật khác, có giá trị pháp lý dưới Hiến pháp, sẽ chẳng còn được tôn trọng, chấp hành!

Ở ta hiện vẫn chưa có cơ quan độc lập và chuyên trách để thực hiện chức năng bảo hiến. Trên thế giới có các mô hình bảo hiến khác nhau: mô hình bảo hiến kiểu châu Âu, mô hình theo kiểu Mỹ, mô hình bảo hiến hỗn hợp Âu-Mỹ... Dù là mô hình theo kiểu nào thì nước nào cũng có cơ quan độc lập và chuyên trách để thực hiện chức năng bảo hiến mà thường là tòa án hiến pháp. Tòa án hiến pháp có vị trí độc lập với quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tòa án hiến pháp có thẩm quyền phán quyết về những vi hiến của văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế; giải quyết các khiếu kiện của công dân, pháp nhân Việt Nam đối với các quyết định, hành vi có dấu hiệu vi hiến; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan; giải thích Hiến pháp đảm bảo cho các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp được thực hiện thống nhất.

Nếu nước ta cũng thành lập tòa án hiến pháp hay cơ quan chuyên trách bảo hiến thì trước hết phải giải quyết vấn đề cơ bản (cái gốc) của Hiến pháp, đó là Hiến pháp sẽ do Quốc hội thông qua hay do toàn dân thông qua (phúc quyết)?

Cho đến nay nước ta đã có bốn bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992) và cả bốn bản Hiến pháp đều do Quốc hội thông qua. Khác với các nước, Quốc hội nước ta là quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp. Đây là một đặc điểm rất quan trọng để nghiên cứu thành lập cơ quan bảo hiến hay tòa án hiến pháp. Chức năng lập hiến của Quốc hội nước ta cũng là do lịch sử để lại. Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 1-6-1946 tổng tuyển cử cả nước là để bầu ra Quốc hội lập hiến. Lẽ ra sau khi thông qua bản Hiến pháp năm 1946 thì Quốc hội lập hiến tự giải thể và sẽ tổng tuyển cử để bầu ra Nghị viện nhân dân. Tuy nhiên, do chiến tranh nên việc bầu Nghị viện nhân dân không thực hiện được và Quốc hội lập hiến được chuyển thành Quốc hội lập pháp (theo Hiến pháp năm 1946, nước ta không tổ chức Quốc hội, chỉ tổ chức Nghị viện nhân dân - từ Điều 22 đến Điều 42 Chương III).

Vì điều kiện lịch sử, chúng ta mặc nhiên thừa nhận việc này nhưng nay nước ta không còn chiến tranh, các điều kiện về kinh tế-xã hội đã chín muồi, cho phép chúng ta giao quyền cho nhân dân phúc quyết về hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Chúng ta đang chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nhưng cũng cần xác định: “Sửa đổi, bổ sung” hay xây dựng một bản hiến pháp mới thay cho Hiến pháp năm 1992? Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung thì bản hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn có tên gọi là Hiến pháp năm 1992. Đã nhiều lần, lúc đầu chúng ta chủ trương sửa đổi, bổ sung nhưng đến khi thông qua lại là ban hành một văn bản mới. Ví dụ: Hiến pháp năm 1992 thay Hiến pháp năm 1980; Bộ luật Hình sự năm 1999 thay Bộ luật Hình sự năm 1985… Nếu chúng ta ban hành một bản hiến pháp mới, thay thế Hiến pháp năm 1992 thì không chỉ căn cứ vào Hiến pháp năm 1992 mà phải căn cứ vào các bản hiến pháp trước đó, mà đặc biệt là Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp thể hiện rất rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền…

Khi đã giải quyết vấn đề cơ bản của Hiến pháp thì việc thành lập cơ quan bảo hiến chỉ là việc tiếp theo. Tòa án hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến sẽ là cơ quan độc lập với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nếu Quốc hội vẫn giữ quyền lập hiến như trước đây thì việc thành lập cơ quan bảo hiến cũng chỉ là hình thức, không có ý nghĩa thực tế.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm