Lần đầu tiên thu ngân sách không đạt chỉ tiêu

Chiều 23-10, Chính phủ đã báo cáo trước QH tình hình thu chi ngân sách Nhà nước năm 2013 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2014. Theo đó, năm 2013 dự kiến lạm phát khoảng 7%, tăng trưởng kinh tế 5,4%; thu ngân sách ước 752.370 tỉ đồng, giảm 63.630 tỉ đồng (7,8%) so với dự toán, lần đầu tiên không đạt dự toán. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị QH cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của QH Phùng Quốc Hiển đánh giá nguồn thu ngân sách từ đất đai và dầu khí ngày một khó khăn. Thu từ dầu thô có xu hướng giảm dần (năm 2013 chỉ bằng 77,3% so với năm 2012). Do đó, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi cơ chế trích để lại từ thu lãi dầu khí nước chủ nhà, thực hiện cơ chế thu vào ngân sách 75% tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia - để lại 25% đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Đồng thời, phải tăng cường giám sát lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư ra nước ngoài của PVN để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, tăng khả năng đóng góp cho ngân sách.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, chi bố trí vốn xây dựng cơ bản vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí, thiếu kiên quyết cắt, giảm đầu tư công. Tuy nhiên, trong bối cảnh hụt thu lớn nên Ủy ban TC-NS nhất trí nâng mức bội chi như Chính phủ đề xuất. Đồng thời, yêu cầu có cơ chế thu cổ tức của Nhà nước tại các DNNN, DN đã cổ phần hóa đưa vào ngân sách để bố trí tăng chi đầu tư phát triển.

Về ngân sách 2014, Ủy ban TC-NS tán thành Chính phủ dự toán thu 782.700 tỉ đồng (tăng 7,9% so với năm 2013) nhưng không đồng tình dự toán chi ngân sách tăng 2,9% so với năm 2013 vì chưa thể hiện rõ thông điệp triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Mức bội chi ngân sách dự kiến 5,3% GDP (tính đến năm 2015 phải không vượt quá trần nợ công 65% GDP).

Bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn TPCP

Cùng ngày, Chính phủ đã trình phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016. Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến thành viên ủy ban đồng tình với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016. Như vậy, mức huy động vốn TPCP trong ba năm tới bình quân trên 400.000 tỉ đồng/năm (khoảng 8%-9% GDP).

Theo ông Hiển, tuy vẫn giữ được nợ công trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP) nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn. Việc huy động TPCP trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn (80%) nên tần suất, áp lực trả nợ sẽ rất cao. Chưa kể việc huy động từ nguồn ngân hàng thương mại (chiếm 86%) có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền hút vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Nguồn vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 sẽ được đầu tư vào một số dự án, chương trình như: Các dự án thuộc QL1A và QL14; dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; bố trí 15.000 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bố trí 20.000 tỉ đồng đối ứng cho các dự án ODA...

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm