Lại e ngại tố cáo qua email, điện thoại, fax

Đây là nội dung khác với kết quả thảo luận dự thảo Luật Tố cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước đó. Sáng 25-10, thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nếu luật không thừa nhận các hình thức tố cáo trên thì chẳng khác nào đã phủ định thực tế đang diễn ra.

Phủ định các "đường dây nóng"?

Tại phiên họp UBTVQH ngày 12-10, việc bổ sung hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được đã được thống nhất cao để đưa vào Luật Tố cáo. Tuy nhiên, dự thảo trình QH lần này chỉ ghi nhận hai hình thức tố cáo là tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo qua bưu điện.

Cụ thể, UBTVQH đề nghị không bổ sung các hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời nói qua điện thoại vào luật. Lý do, các hình thức tố cáo nói trên tuy đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến. Và “đang có yêu cầu tổng kết thực tiễn để quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước”.

Một số ĐB nêu thực tế, một số cơ quan hành chính có đưa ra đường dây nóng để người dân tố cáo các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật; một số bệnh viện hay trên xe buýt cũng thành lập đường dây nóng…. Thực tế, đây chính là hình thức tố cáo qua điện thoại, nếu pháp luật không quy định thì coi như sẽ phủ định việc này.

Lại e ngại tố cáo qua email, điện thoại, fax ảnh 1

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng việc quy định trách nhiệm của người tố cáo phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc cần được bảo vệ tới cơ quan chức năng là làm khó cho họ. Ảnh: TTXVN

Vẫn tranh cãi chuyện tố cáo nặc danh

Đây là quan điểm của UBTVQH thể hiện tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo. Theo đó, người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được... Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, quy định này nhằm “nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết”.

Về vấn đề này, các ĐBQH có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược. ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng “dứt khoát không giải quyết tố cáo nặc danh” vì dự luật đã có hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo rồi… Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), nhiều người tố cáo không dám công khai danh tính vì họ không chỉ có một mình mà còn nhiều mối quan hệ, còn vợ, chồng, anh, em, con, cháu. “Người tố cáo có lẽ không sợ ảnh hưởng cho mình nhưng rất sợ ảnh hưởng liên lụy đến nhiều người có liên quan bởi vì thực tế người tố cáo có thể bị trù dập, bị đe dọa” - ông Phương nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) cho rằng cần phải coi tố cáo nặc danh là thông tin tố giác vi phạm, từ đó các cơ quan xem xét, xử lý.

Bảo vệ người tố cáo: Còn hình thức!

Dự thảo Luật Tố cáo dành hẳn một chương quy định riêng về việc “bảo vệ người tố cáo”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về việc này. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận xét: “Nếu đọc kỹ các quy định trong dự thảo thì thấy ý tưởng rất hay nhưng rất khó khả thi”.

Vị ĐB này dẫn Điều 37 quy định việc bảo vệ người tố cáo ở nơi công tác với nội dung bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức. “Dự thảo quy định vậy thôi nhưng người ta có rất nhiều lý do để thực hiện việc điều chuyển công tác hoặc không phân công công việc khác… Nếu người ta làm kín kẽ thì tôi nghĩ rất khó để xác định đấy là hành vi trù dập” - ông Cương lo ngại.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì cho rằng việc quy định trách nhiệm của người tố cáo phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc cần được bảo vệ tới cơ quan chức năng là làm khó cho họ. “Cần khẳng định trong luật việc bảo vệ người tố cáo, dù họ có yêu cầu hay không” - bà Thúy kiến nghị.

Khi cần thiết có thể đối chất

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề xuất cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo trong trường hợp chưa xác minh hoặc khi bị tố cáo oan sai, vu cáo có động cơ xấu. Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị ghi nhận trong dự thảo nguyên tắc “người bị tố cáo có quyền được đối xử bình thường cho đến khi vi phạm được xác nhận bằng một kết luận chính thức của người giải quyết tố cáo”. Quy định này để tránh sự trù dập lẫn nhau, có thể lợi dụng những hành vi tố cáo để xử lý nội bộ với nhau. “Đây là những hành vi nhiều khi rất tế nhị và nó gây hoang mang cho người bị tố cáo. Một người đang sống, làm việc bình thường tự nhiên bị tố cáo mà không biết người tố cáo đó là ai thì tôi thấy có phần bất công đối với họ” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa đề nghị có những trường hợp nếu như việc đối chất với người tố cáo là cần thiết cho việc xác minh sự thật thì phải cho phép tiến hành đối chất. “Nguyên tắc giữ bí mật cho người tố cáo tôi thấy cũng áp dụng có mức độ thôi, nếu không chúng ta sẽ bất công đối với người bị tố cáo” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trường hợp kỹ sư Lê Văn Tạch

Ngày 25-8-2011, Toyota Việt Nam (TMV) chính thức ra quyết định chuyển kỹ sư Lê Văn Tạch (người khiến hãng này phải xin lỗi và triệu hồi hàng loạt ô tô bị lỗi) từ vị trí kỹ sư kiểm soát chất lượng sản phẩm sang vị trí quản lý an toàn tại bộ phận tiếp vận xe thành phẩm. Ở vị trí mới, lương của kỹ sư Tạch bị giảm hơn 2,6 triệu đồng/tháng.

Hình thức kỷ luật nói trên được đưa ra do kỹ sư Tạch đã có hành vi sử dụng tài sản công ty cho mục đích tư lợi (dùng hộp thư điện tử của công ty để gửi thư cho bạn bè); làm ảnh hưởng uy tín của người khác trong công ty (phản ánh sai sự thật tới TGĐ rằng sếp trực tiếp từ chối cho nghỉ ốm…); làm phiền hà đến người khác, cụ thể là TGĐ TMV (khi gửi thư phản ánh bảy lãnh đạo TMV đã có những lời nói, hành động làm tổn hại đến tinh thần và danh dự kỹ sư Tạch)…

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm