Kinh tế không có mục tiêu trừu tượng

Phát biểu thay giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói rằng: “Không đặt hiệu quả kinh tế lên đầu mà đặt trong tổng thể hiệu quả chính trị-xã hội”.

Dù bộ truởng nói, song nhiều người đã rất băn khoăn vì những khái niệm liên quan đến “hiệu quả chính trị-xã hội” thật khó đo lường bởi nó thường là những kết quả gián tiếp, mang tính ước đoán nhiều hơn.

Trong khi đó, các đại biểu lại có trong tay số liệu cụ thể về những chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt của dự án như chậm tiến độ đến chín năm, tăng vốn ba lần, nếu đặt nhà máy Dung Quất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có thể tiết kiệm được 500 triệu USD, hơn 2.500 hộ dân phải di dời mà đến nay nhiều nơi chưa được bố trí phương án sản xuất ở nơi tái định cư, chỉ có 600 lao động địa phương được vào làm việc...

Đặc biệt, gần đây lại thấy nổi lên chuyện xăng dầu Dung Quất tồn kho trong khi các doanh nghiệp đầu mối (của nhà nước) lại cứ mang USD sang Singapore mua xăng dầu làm trầm trọng hơn tình trạng nhập siêu, khan hiếm ngoại tệ và tăng chi phí vận chuyển không cần thiết. Những số liệu này cũng đều thực, cụ thể và bất cứ ai cũng có thể “tính sổ” một cách chi tiết.

Nhiều đại biểu đề cập tới một giải pháp khoa học là cho tiến hành kiểm toán để minh bạch hóa các số liệu, tạo tiền đề cho các đại biểu bấm nút chuẩn y. Nếu được thế, việc quyết toán Dung Quất có thể chậm nhưng qua đó cử tri cả nước và các quốc gia đang cho vay có thể đo lường dễ hơn về “hiệu quả chính trị-xã hội” trong các dự án kinh tế, tạo cơ sở cho những “ủy quyền” sau này trước các đại dự án tương tự.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm