Kinh tế biển phát triển chưa cân đối

Phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó khi mà tình hình biển Đông ngày càng phức tạp và không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về vai trò của biển?

“Cần thành lập Bộ Biển và Hải đảo nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh phát triển các ngành kinh tế biển” - PGS-TS Lê Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật biển VN, kiến nghị.

. Vì sao ông lại đề nghị như vậy?

+ Cần tập hợp tất cả lực lượng liên quan đến biển lại với nhau để tạo nên một khối thống nhất. Có thể thành lập một bộ về biển và hải đảo (gồm Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ TNMT, Cục Hàng hải VN thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT…). Trong lực lượng này không chỉ trực tiếp những người làm về biển mà những người có liên quan đến biển (như công nghiệp phụ trợ cho kinh tế biển). Có như vậy mới kéo cả nền kinh tế đi lên, kinh tế biển không chỉ đóng góp 53%-55% GDP như mục tiêu của Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển VN đến 2020 đặt ra mà có thể lên tới 60%-70%.

Kinh tế biển phát triển chưa cân đối ảnh 1

Cần tập hợp các lực lượng liên quan đến biển để đưa nền kinh tế này chiếm tỉ trọng lớn và giữ chủ quyền ở biển Ðông. Ảnh: HTD

Chưa xứng tiềm năng

.Ông đánh giá thế nào về các ngành kinh tế biển sau gần hai năm thực hiện nghị quyết về chiến lược biển?

+ Chiến lược biển đặt ra đến năm 2020 các ngành kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53%-55% GDP, so với hiện nay khoảng 20%-22%. Đi đầu là dầu khí, đến khai thác thủy sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), đóng tàu…

Nhưng đến nay, trong từng ngành phát triển chưa cân đối, thiếu đồng bộ. Đóng tàu mới làm được việc lắp ráp, gia công, có khi còn lỗ do chịu sức ép phí dịch vụ ở bên ngoài. Ngành hàng hải đầu tư dàn trải dẫn đến không phát huy hiệu quả tối ưu, lãng phí. Có nơi xây dựng được cảng nhưng không có hậu phương (bến bãi, kho chứa, giao thông…). Đội tàu trong nước chỉ vận chuyển được khoảng 20% lượng hàng xuất nhập khẩu…

Về khai thác thủy hải sản mới được 30%-40% so với tiềm năng. Gần đây, ta chủ trương đánh cá xa bờ nhưng đầu tư lại manh mún, đóng tàu công suất nhỏ, đi gần chứ chưa phải thật xa.

Về môi trường, đánh cá gần bờ đang hủy hoại biển một cách ghê gớm. Ngư dân vì quyền lợi trước mắt đánh bắt bằng mìn, bằng lưới có mắt rất nhỏ, thủy sản gần như cạn kiệt. Môi trường biển gần như bị ô nhiễm nặng do chưa phát huy tính làm chủ của người dân ven biển và cả nước nói chung.

Còn tài nguyên dưới đáy biển chúng ta điều tra, khảo sát chưa được bao nhiêu.

Xem xét tái cơ cấu nền kinh tế

. Vậy theo ông, tới đây cần làm gì để khắc phục những tồn tại này?

+ Sau hai năm, những người, những ngành có trách nhiệm cũng nên ngồi với nhau rà xem chiến lược biển đã sát chưa và nên có chương trình hành động thống nhất và mạnh mẽ hơn, cụ thể hóa những bước đi. Cả thế giới đang tái cơ cấu nền kinh tế thì mình cũng nên xem xét tái cơ cấu. Làm sao để chín thập niên còn lại của thế kỷ 21 này mình đưa kinh tế biển chiếm tỉ trọng chủ yếu của nền kinh tế VN.

. Đi vào từng ngành, từng lĩnh vực, ông có những kiến nghị cụ thể gì?

+ Chẳng hạn, liên quan đến các cảng biển phải có một chương trình nghiên cứu về kinh tế-xã hội một cách nghiêm túc, tập hợp cả các ngành và các địa phương. Để cuối cùng tập trung đầu tư độ năm cảng đầu mối thu hút 80%-90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước. Những cảng còn lại coi như đại lý. Có như vậy ta mới có sức để đầu tư và giúp cho những nơi này phát triển hết công suất, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Còn hải quân phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Mình phải biết cách đầu tư cũng như có chiến lược hợp tác với các nước khác để giữ chủ quyền ở biển Đông.

Thông qua Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA), chúng tôi sẽ có ý kiến đóng góp về phát triển khoa học, kỹ thuật và kinh tế biển vào dự thảo báo cáo về kinh tế-xã hội trình ra Đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới.

. Xin cảm ơn ông.

Tiến mạnh ra biển

Thời gian tới phải khai thác tối đa các tiềm năng biển, phát triển mạnh các khu kinh tế ven biển. Hoàn thiện cơ chế xây dựng, quản lý, khai thác dữ liệu tài nguyên-môi trường biển để phát triển theo hướng tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển… Trong năm 2010, Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 ngày 6 và 7-1. (Theo Vietnamnet)

VĂN TIẾN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm