Kiềm chế lạm phát - Bài toán khó

Phiên họp thường kỳ Chính phủ vào hai ngày 27 và 28-2 diễn ra vào lúc chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm tăng đến 6,02%, giá xăng dầu lại bị điều chỉnh tăng mạnh và những dư âm về thiệt hại trong đợt giá rét kỷ lục vẫn còn. Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối qua với sự có mặt của những bộ ngành chủ chốt, nhiều câu hỏi chất vấn đã được nêu ra.

Kinh tế 2008: Rất khó khăn!

. Mới hai tháng đầu năm, CPI đã lên tới 6,02%, “ăn” gần hết chỉ tiêu của Quốc hội. Chính phủ có bất ngờ không?

+ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Đức Sinh: Giá cả dịp Tết bao giờ cũng lên và riêng tháng 2 vừa rồi tăng 3,56% - cao hơn mọi năm. Nhưng tôi cho rằng không bất ngờ. Bởi hậu quả từ đợt lũ lụt năm ngoái, rồi đầu năm rét đậm, giá lương thực, thực phẩm sẽ lên nhiều, mà ngành hàng này lại chiếm tới 42,8% rổ hàng hóa làm căn cứ tính CPI.

. Chính phủ có định đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế không?

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao chưa được điều chỉnh. Tuy nhiên, biến động của kinh tế và thị trường thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam và Chính phủ đang bàn cách chống đỡ. Song có thể thấy giữ CPI dưới mức tăng GDP là bài toán cực kỳ khó khăn với Chính phủ.

+ Thứ trưởng Cao Đức Sinh: 2008 sẽ là năm khó khăn cho cả kinh tế Việt Nam và thế giới. Kinh tế thế giới năm ngoái tăng trưởng 4,9% thì tháng 10-2007, IMF dự báo năm nay giảm còn 4,4% và đến vừa rồi điều chỉnh xuống còn 4,1%. Các nền kinh tế lớn sử dụng nhiều hàng xuất khẩu của ta cũng được dự báo tăng trưởng chậm lại. Vì vậy, Chính phủ sẽ tìm giải pháp tiếp tục giữ vững xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tiêu dùng trong nước.

. CPI tăng cao, có thể vượt qua cả giới hạn cho phép của Quốc hội. Vậy Chính phủ đã chuẩn bị kịch bản gì để ứng phó mà vẫn giữ được mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Có kịch bản nhưng Chính phủ đang bàn và cho đến lúc tôi đến cuộc họp báo này thì Thủ tướng chưa kết luận.

Sẽ rút vốn những dự án đầu tư công kém hiệu quả

. Lạm phát năm nay tiếp tục tăng cao phải chăng là do sai lầm chính sách tiền tệ?

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi khẳng định là không. Nhưng dự báo của ta yếu kém. Dự báo vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI cả năm 2007 lúc đầu là 12 tỷ USD, sau đó dự báo lên 16 tỷ, đến cuối năm ước 20 tỷ USD nhưng thực tế là 21,3 tỷ USD. Dẫn tới chuẩn bị dự án để hấp thụ vốn không đáp ứng được. Rồi giá cả thị trường thế giới biến động cũng ngoài dự báo của Chính phủ... Từ đó dẫn tới dự báo tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán sai. Khuyết điểm 2007 là vậy. Đầu năm 2008, điều hành đã chặt chẽ, linh hoạt hơn với hàng loạt biện pháp của Ngân hàng nhà nước.

. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều nhưng trong nước chưa chuẩn bị kịp để hấp thụ đang được coi là một nguyên nhân đẩy CPI lên cao. Có ý kiến cho rằng nên kềm nguồn vốn này, quan điểm Chính phủ thế nào?

+ Thứ trưởng Cao Đức Sinh: Không hạn chế FDI. Bởi hai nguồn chính là chuyển thiết bị, máy móc ở nước ngoài vào để triển khai dự án đầu tư và mua cổ phần, rót vốn vào tài khoản doanh nghiệp trong nước đều không ảnh hưởng lắm tới lạm phát.

. Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thường thấp, theo các chuyên gia nước ngoài, góp phần làm lạm phát tăng. Chính phủ suy nghĩ thế nào?

+ Thứ trưởng Cao Đức Sinh: Tổng đầu tư xã hội năm 2007 là 464.000 tỷ đồng thì đầu tư của các công ty nhà nước chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ 64.000 tỷ đồng. Còn đánh giá về hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn nhưng phải nhìn cả nhiều góc độ như giúp tăng trưởng kinh tế, giữ cân đối vĩ mô và giải quyết vấn đề xã hội. Năm nay, Quốc hội có chương trình giám sát đầu tư, chắc kỳ họp cuối năm sẽ có báo cáo.

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Đầu tư công hiện nay vẫn trong phạm vi an toàn và Chính phủ kiểm soát được. Tuy nhiên, Chính phủ đang chỉ đạo dự án nào kém hiệu quả thì phải dừng để điều hòa vốn sang dự án hiệu quả hơn.

Sắp tới, sẽ nhiều biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: HTD
Sắp tới, sẽ nhiều biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: HTD

Tăng giá điện: Cuối năm mới bàn

. Một số chuyên gia bình luận là Chính phủ “đổ dầu vào lửa” khi thả nổi giá xăng dầu vào thời điểm lạm phát căng thẳng này. Đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích.

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi cũng đang ngồi trên đống lửa. Song phải khẳng định là Chính phủ vẫn đang kiểm soát giá xăng dầu chứ chưa thả nổi. Vấn đề là tiếp tục bù lỗ thì sẽ vượt khỏi khả năng ngân sách, dẫn tới thiếu nhiên liệu. Mặt khác, bù lỗ như hiện nay là cho cả người giàu, người nghèo, thậm chí cả nước ngoài từ xăng dầu xuất lậu. Cho nên phải chấp nhận điều chỉnh.

Nhưng tới đây, liên bộ sẽ đưa ra trần giá xăng dầu căn cứ vào giá nhập khẩu, chi phí hợp lý và lãi hợp lý. Như vậy vẫn giao quyền chủ động về giá cho doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với giá trần của liên bộ. Ngoài ra sẽ thay đổi cách điều chỉnh giá, không nhất thiết lên hết, xuống hết theo giá thế giới. Phần lợi nhuận dư ra thì lập quỹ dự phòng rủi ro để thay Chính phủ bù lỗ cho doanh nghiệp lúc giá nhập khẩu quá cao.

. Giá xăng dầu vừa tăng xong thì lại có thông tin rục rịch tăng giá điện khiến người dân vô cùng lo lắng. Đề nghị Chính phủ giải thích?

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việc điều chỉnh giá điện, liên bộ chưa bàn. Mới là nghiên cứu của từng đơn vị đưa lên. Chắc phải cuối năm mới bàn.

. Trước tình hình lạm phát tăng cao, Chính phủ lại tăng giá dầu đột biến, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo Chính phủ cần xuất hiện đối thoại trực tuyến với người dân. Đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết ý kiến?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nguyện vọng đó theo tôi là chính đáng. Chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng. Nếu được đồng ý, Văn phòng Chính phủ sẽ thu xếp.

. Chứng khoán đang rớt mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính phủ có cách nào cứu?

+ Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chúng ta phải kiểm soát dư nợ tín dụng, đặc biệt là những dự án không hiệu quả, trong đó có lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Riêng chứng khoán, ý kiến của Thủ tướng là tiếp tục cho vay trong phạm vi chính sách mà Ngân hàng nhà nước đã công bố. Theo đó, hạn mức 21.000 tỷ đồng thì đến nay mới cho vay được hơn nửa, còn 9.000 tỷ đồng. Cho vay hết mà thấy thị trường vẫn còn lành mạnh thì sẽ xem xét tiếp.

Đối phó với rét như thế là phù hợp

. Chính phủ có nắm được con số thiệt hại về người trong đợt giá rét vừa qua và đã điều tra xem vụ thiên tai này ảnh hưởng thế nào tới các hộ nghèo chưa?

+ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát: Sức khỏe và sinh mạng người nghèo thì Bộ Y tế có báo cáo và đã gửi Chính phủ. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp thì Bộ Nông nghiệp nắm được và hiểu rằng chịu thiệt thòi nhất là các hộ nghèo, thậm chí có thể dẫn tới tái nghèo. Vì con trâu là đầu cơ nghiệp mà thống kê đến giờ là 120.000 con trâu, bò chết với 70% ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ảnh hưởng cụ thể thế nào tới thu nhập, đời sống của người dân thì chúng tôi chưa điều tra. Tuy nhiên, chúng tôi đã trao đổi với Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là sẽ đánh giá kỹ hơn.

. Qua đợt giá rét vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá là Chính phủ và địa phương đối phó rất lúng túng. Để khắc phục, cần coi rét là thiên tai và mở rộng hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sang lĩnh vực này. Ý kiến của Chính phủ thế nào?

+ Bộ trưởng Cao Đức Phát: Giá rét thì là thiên tai rồi. Còn ban chỉ đạo chỉ là bộ phận phối hợp trách nhiệm các ngành, các cấp trong phòng chống, khắc phục thiên tai. Các bộ, các cấp phải ý thức được trách nhiệm của mình. Vụ rét vừa qua, có thể nơi này nơi khác chưa làm tốt nhưng Chính phủ đã phản ứng nhanh với nhiều chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, vừa rồi là đợt rét lịch sử trong gần 200 năm. Cho nên theo tôi, chưa cần mở rộng chức năng của Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt. Còn đối phó rét thì năm nào đến mùa cũng có chỉ đạo, phương án cụ thể.

NGHĨA NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm