HÔM NAY, BẮT ĐẦU LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Không quy định “vai trò chủ đạo”, vì sao?

Hôm nay (2-1), dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính thức được cơ quan có thẩm quyền công bố để toàn dân góp ý. Một điểm mới đáng chú ý trong bản dự thảo này là không còn quy định thành phần kinh tế nào là chủ đạo nữa. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), thành viên tổ biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, về vấn đề này.

Không quy định “vai trò chủ đạo”, vì sao? ảnh 1
GS-TS Lê Hồng Hạnh: Các thành phần kinh tế hình thành và biến đổi không ngừng. Vai trò của từng nguồn lực ấy với toàn bộ nền kinh tế cũng thay đổi liên tục. Thời bao cấp, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là duy nhất, là thống lĩnh thì khi mở cửa, kinh tế tư nhân đã là một trong những động lực chủ yếu của quá trình phát triển. Nếu cứ cứng nhắc, bê hết các ý tưởng, tuyên ngôn chính trị của Cương lĩnh vào Hiến pháp (HP) sẽ là phi thực tế, ít nhất là ở khía cạnh lập hiến. Vì vậy, đa số ý kiến cho rằng không nên nêu cụ thể trong HP các thành phần kinh tế, cũng như không đề cập việc thành phần nào là chủ đạo vào HP.

Theo đó, Điều 54 dự thảo sửa đổi HP 1992 chỉ quy định chung: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Đã có những hệ lụy tiêu cực

. Quan điểm ấy có được thống nhất cao không, thưa ông?

+ Đương nhiên là có ý kiến khác. Một số nhấn mạnh quan điểm cho rằng không được nói trái Cương lĩnh, tức là Cương lĩnh nêu thế nào cứ đưa vào HP như vậy. Nhưng đó chỉ là số ít thôi và nhiều trong số họ cũng thấy mặt phi thực tế, bất hợp lý nếu chuyển hóa máy móc Cương lĩnh vào HP.

. Quan điểm cá nhân của ông thế nào?

+ Coi kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân là chủ đạo, tôi đều cho là không cần thiết, thậm chí phản tác dụng. Kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển dựa trên sự đa dạng và bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau, cạnh tranh lành mạnh với nhau và sở hữu tư nhân được tôn trọng, bảo vệ.

Không quy định “vai trò chủ đạo”, vì sao? ảnh 2

Hiện có nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Ảnh: HTD

Hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong HP 1992, thực tiễn đã cho thấy những hệ lụy tiêu cực. Các chính sách, quy phạm được xây dựng trên quan điểm “chủ đạo” dồn phần lớn nguồn lực, tài nguyên cho các chủ đạo để rồi sản sinh ra những Vinalines, Vinashin đầy đổ vỡ, sai phạm. Nợ xấu của quốc gia cũng tập trung ở các doanh nghiệp chủ đạo ấy. Hiện tượng cứ lỗ là tăng giá cũng diễn ra ở những doanh nghiệp này…

Tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh

. Nếu cách thể hiện như trong dự thảo sửa đổi HP 1992 được QH chấp nhận thì ý nghĩa của nó là gì?

+ Nền tảng của kinh tế thị trường, cho dù là gắn với “định hướng XHCN” thì vẫn phải không phân biệt đối xử với các loại hình kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ta cũng đang vận động các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì vậy cách tiếp cận mới của HP về thành phần kinh tế rất có ý nghĩa.

Còn trong quan hệ với Cương lĩnh, cả HP và Cương lĩnh đều chung mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và do nhân dân làm chủ”. Như vậy chẳng có gì là mâu thuẫn nhau cả. Còn muốn khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo thì Đảng cần lãnh đạo để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng.

Giải pháp có thể nằm ở việc tăng cường giám sát, quản lý, lựa chọn nhân tài cho các vị trí quản lý, điều hành, bằng trách nhiệm và kỷ luật chiến đấu cao của các tổ chức Đảng. Chứ còn “chủ đạo” bằng cách dồn cho DNNN mọi nguồn lực, tài nguyên, ưu đãi bất bình đẳng về chính sách, giải cứu, giãn nợ, khoanh nợ, ưu đãi tín dụng bất chấp DN đã chết lâm sàng thì thực tế đã chứng minh là sai lầm.

. Từ điểm mới, tích cực này, ông nghĩ gì về cách thức sửa HP?

+ HP phải là cho mọi người từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến từng người dân bình thường. HP phải được hiểu thống nhất, trước hết là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của quốc gia, là bản tuyên ngôn của nhân dân về chủ quyền và phát triển. Càng xây dựng nó trên nền tảng xã hội rộng lớn bao nhiêu, phù hợp với ý nguyện của nhân dân bao nhiêu thì càng tăng giá trị dân chủ, nền tảng nhân dân và càng trở nên khả thi bấy nhiêu.

Vì vậy, HP phải được sửa để chứa đựng các quy định, tuyên ngôn pháp lý, với chủ thể, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm hiến định rõ ràng. Tuyên ngôn, quan điểm chính trị chỉ được đưa vào nếu mang lại cho đất nước cơ hội phát triển.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều tranh luận về sở hữu đất đai

Trong ban biên tập, vấn đề sở hữu đất đai cũng được thảo luận nhiều. Có người cho rằng thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai trong HP là sai đường lối, tạo nguy cơ cho mất ổn định. Nhưng nhiều người khác cho rằng nên thừa nhận đa sở hữu và không nên duy trì hình thức sở hữu toàn dân, vì không thể làm rõ được “toàn dân” là ai. Với chủ thể sở hữu là Nhà nước thì cần làm rõ hơn. Chẳng hạn có phần chính quyền địa phương làm đại diện chủ sở hữu, có phần phải do trung ương…

Theo đó, đa sở hữu không phải là tư nhân hóa toàn bộ tài nguyên đất đai. Có thể, trước mắt chỉ nên thừa nhận sở hữu tư nhân với đất ở, vườn tược do chuyển nhượng hợp pháp hoặc cha ông để lại. Còn một phần rất lớn đất đai sẽ là công hữu, dưới hình thức sở hữu của cộng đồng dân cư, hoặc chủ thể nhà nước rõ ràng làm đại diện, quản lý.

Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) đã tái khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên dự thảo sửa đổi HP 1992 cũng quy định như vậy.

GS-TS LÊ HỒNG HẠNH

Tiếp thu, giải trình nghiêm túc

Bắt đầu từ 2-1, người dân có thể gửi góp ý dự thảo Sửa đổi HP 1992 trực tiếp hoặc bằng văn bản tới các cơ quan, tổ chức; qua trang thông tin điện tử của Quốc hội (http://duthaoonline.quochoi.vn), các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. Việc lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Đối tượng lấy ý kiến là tất cả tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm