Không phải ai cũng được phạt báo chí!

Ngày 3-3, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành lần thứ sáu để cho ý kiến về dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật”.

Không phải cơ quan nào cũng có quyền phạt

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa, quá trình rà soát có tám nghị định xử phạt liên quan đến việc cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Đối tượng xử phạt là các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhưng do mô tả hành vi tại tám nghị định chưa thật sự rõ ràng nên gây hiểu nhầm là phạt đối với cơ quan báo chí và nhà báo. (Trong số tám nghị định gây hiểu nhầm này, có hai nghị định có quy định rõ về việc xử phạt báo chí - PV).

Bà Thoa khẳng định mục đích ban hành nghị định mà Bộ Tư pháp đang soạn thảo là nhằm làm rõ việc tám nghị định kia không quy định xử phạt báo chí. Nhưng đại diện Bộ Y tế lại nói đó không phải là những quy định gây hiểu nhầm: “Chúng tôi quy định như vậy có nghĩa nếu cơ quan báo chí vi phạm thì xử phạt cả cơ quan báo chí. Người dân đưa sai chúng tôi cũng xử”.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn sau đó khẳng định: “Thống nhất đối với cơ quan báo chí là chỉ áp dụng Nghị định 159/2013 (quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản) và cơ quan có thẩm quyền xử phạt là Thanh tra ngành thông tin và truyền thông”.

Thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc về Thanh tra ngành thông tin và truyền thông. Ảnh: HTD

Chấp nhận “khập khiễng” một thời gian

Trong suốt quá trình Bộ Tư pháp soạn thảo nghị định nói trên, có một tranh luận dai dẳng về việc có bổ sung Điều 8a vào Nghị định 159/2013 hay không. Điều 8a dự kiến quy định việc xử phạt đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê và các thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.

Theo bà Thoa, nếu không bổ sung Điều 8a sẽ dẫn đến tình trạng Điều 8 Nghị định 159/2013 chỉ đề cập việc xử phạt khi đăng phát gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó đối với lĩnh vực thống kê chỉ cần đưa sai lệch là đã bị phạt rồi. “Nếu không bổ sung quy định này sẽ tạo sự bất bình đẳng, không công bằng…” - bà Thoa nói.

Bà Thoa cho biết Vụ Pháp luật hình sự-hành chính đã nhận được ý kiến bằng văn bản của tám bộ liên quan thì có bảy bộ đồng tình. Chỉ duy nhất Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng không bổ sung quy định này vẫn xử lý được.

Ông Đặng Thanh Sơn đề nghị cân nhắc kỹ có nên quy định Điều 8a này hay không vì sẽ có vấn đề “cộm” so với Nghị định 81/2013 (hướng dẫn thi hành Luật Xử lý VPHC 2012). Theo tinh thần khoản 5 Điều 2 Nghị định 81, hành vi VPHC phải được quy định tại các nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó. Trường hợp hành vi VPHC thuộc lĩnh vực này nhưng do tính chất vi phạm đặc thù của hành vi đó thì có thể quy định và xử phạt trong nghị định xử phạt VPHC thuộc lĩnh vực khác. Trong trường hợp đó, hình thức, mức xử phạt quy định phải thống nhất với quy định tại nghị định xử phạt VPHC của lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chỉ đạo trước mắt “không sửa gì” tám nghị định có các quy định gây hiểu nhầm là phạt cơ quan báo chí và nhà báo, đồng nghĩa cũng không bổ sung Điều 8a vào Nghị định 159. Nghị định sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ mà Bộ Tư pháp đang soạn thảo sẽ chỉ còn điều khoản làm rõ rằng một số quy định tại tám nghị định sẽ không áp dụng đối với báo chí, cũng như điều khoản bãi bỏ một số quy định không phù hợp. “Chúng ta phải chấp nhận sự khập khiễng trong một thời gian nữa trước khi tiến hành sơ kết việc thực hiện Luật Xử lý VPHC để từ đó căn chỉnh lại” - Bộ trưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm